"Reaction tiếng Anh" người nổi tiếng: Góp ý học thuật "có tâm" hay chỉ là "câu view, câu fame"?

"Reaction tiếng Anh" của những người nổi tiếng từ lâu đã là một chủ đề được nhiều Youtuber lựa chọn cho kênh của mình. Nhưng liệu họ có thực sự muốn góp ý cho người khác hay chỉ là chiêu trò câu view?

Sự phát triển của công nghệ và đặc biệt là những nền tảng chia sẻ video cá nhân đã mang tới nhiều thay đổi trong cách mà giới trẻ học tiếng Anh. Vì chi phí đi học ở trung tâm quá đắt đỏ, nhiều trung tâm mọc lên như nấm không biết cái nào tốt, chương trình học ở trường không hiệu quả... nên nhiều người chọn cách học qua những kênh Youtube nổi tiếng chuyên về tiếng Anh.

Một trong những chủ đề "hút view" nhất của những kênh Youtube chuyên về tiếng Anh hiện nay là "reaction" trình độ ngoại ngữ của những người nổi tiếng. Chỉ cần đi một vòng những kênh Youtube như của Hana's Lexis, Khá Tiếng Anh... sẽ dễ dàng bắt gặp những nội dung thu hút ngàn chục ngàn lượt xem. Một trong những nội dung hot nhất đưa ra nhận xét về trình độ tiếng Anh của một loạt nhân vật nổi tiếng như Sơn Tùng M-TP, Pew Pew, Khánh Vy, Lương Xuân Trường, H'Hen Niê...

Những clip nhận xét tiếng Anh của người nổi tiếng thu hút rất nhiều người xem.

Kênh Youtube của Hana's Lexis (cựu du học sinh Mỹ) là một trong những kênh "hút view" nhất ở chủ đề "reaction tiếng Anh". Cô nàng không ngần ngại đưa ra những lỗi sai khi phát âm, cách dùng từ của người khác mà chủ yếu là những nhân vật nổi tiếng trong showbiz và có lượng fan đông đảo.

Một kênh Youtube khác cũng được nhiều người quan tâm xoay quanh chủ đề "reaction" tiếng Anh là Khá Tiếng Anh của một du học sinh có điểm IELTS 9.0. Kênh Youtube này không chỉ nhận xét về tiếng Anh của các sao Việt mà còn nhận xét luôn cả "trình" tiếng Anh của những Youtuber đình đám trong giới tiếng Anh như Hana's Lexis, Giang Ơi...

Thực tế thì hầu hết những Youtuber làm chủ đề về tiếng Anh hiện nay có điểm chung đều đang hoặc từng là những du học sinh. Chưa cần nói tới số điểm IELTS cao chót vót của họ, riêng môi trường được giao tiếp tiếng Anh hàng ngày, sử dụng tiếng Anh nhiều cũng đã giúp những Youtuber này có khả năng ngoại ngữ vượt trội hơn hẳn so với hầu hết những người chỉ học tiếng Anh trong nước.

Cờ Rít Châu Á - kênh Youtube của một giáo viên người nước ngoài cũng thực hiện nội dung "reaction".

Tuy nhiên, từ những clip mà kênh Khá Tiếng Anh đăng tải khi nhận xét trình tiếng Anh của chính những Youtuber nổi tiếng, có thể nhận thấy một điều rằng ngay cả họ cũng không thể giỏi tiếng Anh 100% như người bản xứ. Thực tế thì ngay cả nhiều người Việt còn không biết hết được 100% ý nghĩa của tất cả những từ vựng trong từ điển tiếng mẹ đẻ, nói gì tới một ngoại ngữ mà người ta chỉ thực sự học khi đã lớn hơn một chút. Mà ngay cả những người đã được tiếp xúc với tiếng Anh từ bé cũng chưa chắc đã dám khẳng định mình làm chủ 100% về câu từ, chia thì, chính tả trong ngôn ngữ Anh.

Tất nhiên không thể phủ nhận trình độ tiếng Anh của những Youtuber đang ngày đêm "reaction" trình Tiếng Anh của người nổi tiếng bởi 9.0 IELTS là một con số vô cùng cao. Dù một số người không có nghiệp vụ sư phạm nhưng họ đủ khả năng để đánh giá đúng sai về tiếng Anh của người khác nên hiển nhiên về lĩnh vực tiếng Anh thì những Youtuber này đương nhiên vượt xa những người nổi tiếng chỉ dùng tiếng Anh như công cụ để giao tiếp. 

Một số ý kiến cho rằng, những video nhận xét trình độ tiếng Anh của người nổi tiếng là rất thiết thực, bổ ích. Không ít những lời cảm ơn từ cộng đồng mạng đã được bình luận ở dưới các video này, cho thấy rằng người xem đã không hề phí phạm thời giờ của mình để vừa được giải trí, vừa được học ngoại ngữ.

Nguyễn Lễ - chủ kênh Khá Tiếng Anh thường xuyên thực hiện chủ đề "reaction".

Tuy nhiên, cũng xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng những nội dung nhận xét tiếng Anh của những người nổi tiếng chỉ nhằm mục đích "câu view, câu fame" chứ không hề xuất phát từ mong muốn đóng góp "ý kiến xây dựng". Ví dụ như clip mới đây mà kênh Khá Tiếng Anh đăng tải bị nhiều người nhận xét là gây phản cảm với cách chê bai thẳng thừng, những biểu cảm hơi "quá đà" khiến người xem không được thoải mái.

Thực tế thì những Youtuber khi thu hút được đông đảo người xem thì sẽ kiếm được tiền từ nội dung của mình nên việc câu view cũng có thể không nằm ngoài mục đích của họ. Và ngay cả khi họ thực sự có mục đích câu view đi chăng nữa thì họ cũng đã mang tới những kiến thức ngoại ngữ bổ ích mà không phải lúc nào cũng có thể được học ở trường lớp hay các trung tâm.

Nếu nhìn xa hơn một chút thì những video nhận xét tiếng Anh như vậy cũng góp phần không nhỏ trong việc giúp người trẻ trau dồi tiếng Anh, định hướng cho họ con đường đúng khi học ngoại ngữ. Bên cạnh đó, đây cũng là một lựa chọn thú vị khi người trẻ sử dụng internet tỏ ra thích thú hơn cả với việc thay vì lên Youtube rồi ngập tràn trong những nội dung giải trí kém hữu ích hơn.

Theo Kenh14.vn