Cuối giờ chiều nay, người dân khu vực nội thành Hà Nội bất ngờ "đứng tim" với hai tiếng sấm rung chuyển khi ngoài trời vẫn còn những vạt nắng.
Cuối giờ chiều nay, người dân khu vực nội thành Hà Nội bất ngờ với hai tiếng sấm nổ lớn (ảnh minh họa)
Khoảng 17h chiều nay, 12/8 người dân khu vực nội thành Hà Nội không khỏi "đứng tim" với hai tiếng sấm nổ rung chuyển khi ngoài trời vẫn còn những vạt nắng. Thậm chí, tại những tòa nhà cao tầng ở khu vực Mỹ Đình, Cầu Giấy, Kim Mã, cư dân có thể cảm nhận các cửa sổ rung lên sau hồi sấm lớn. Chị Hoàng Thị Vân (Lò Đúc, Hà Nội) cho biết suýt bị ngã xe khi đang di chuyển tại khu vực Hoàng Cầu, vì giật mình với âm thanh quá lớn này.
Trước đó, nửa đêm 8/8, người dân Hà Nội cũng chưa thể quên trận mưa dông kèm theo hàng loạt tiếng sấm sét đùng đoàng diễn ra trong thời gian khá dài. “Cả nhà tôi bị mất ngủ suốt đêm bởi sống ở Hà Nội hơn 10 năm qua, chưa bao giờ nghe thấy sấm sét lớn như thế”, chị Nguyễn Thị Ngân (Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy), chia sẻ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, hiện tượng dông sét vẫn thường xảy ra tại Bắc bộ nói chung và Hà Nội nói riêng từ tháng 4-10, mật độ nhiều hay ít chủ yếu dựa vào địa hình, điều kiện thời tiết khí hậu. “Khi thời tiết nóng ẩm kết hợp với gió mạnh thường tạo ra những cơn dông và đi kèm hiện tượng sấm sét”, TS Xuân Anh nói.
Theo ông Anh, tiếng sấm to hay nhỏ phụ thuộc vào vị trí cách gần hay xa chỗ tia phóng điện của sét. “Để biết được khoảng cách sét đang ở xa hay gần, có bị nguy hiểm hay không nên đếm theo số giây từ khi thấy sét lóe lên đến lúc nghe được tiếng sấm, rồi chia cho 3. Chẳng hạn số giây đếm được tiếng sấm là 6 có nghĩa vị trí đang đứng cách nơi sét phóng điện khoảng 2km. Trong trường hợp ánh sáng lóe lên đi cùng với tiếng sấm cũng có nghĩa sét đang đánh rất gần. Điều này cũng có nghĩa bạn có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào, lập tức cần cúi ngồi xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất”, TS Xuân Anh phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia, khi gặp các cơn dông sét, người dân nên ở trong nhà, đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện; tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước; không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết. Nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có dông gần xảy ra…
Nếu ở ngoài trời, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, máy, hàng rào sắt…Nên tìm chỗ khô ráo, nếu xung quanh có cây cao hơn thì nên tìm chỗ thấp, tìm vị trí cây thấp… Đặc biệt, không đứng thành nhóm người gần nhau.
“Thông thường sau 30 phút khi không còn nghe thấy tiếng sấm nữa, được coi là khoảng thời gian an toàn, có thể hoạt động trở lại bình thường”, ông Xuân Anh nói.