Không phải mùa đông nhưng có lẽ những ngày này miền Bắc thật lạnh vì nước lũ, vì sạt lở, vì bao ngôi nhà tan hoang, bao nhiêu nước mắt đã rơi xuống khi có những người đã đi mãi không về.
Nhưng cũng những ngày này lại là những ngày ấm ấp nhất ở vùng tâm bão. Ấm áp tình người, ấm áp yêu thương khi cả triệu trái tim khắp mọi miền đất nước đều hướng về miền Bắc bằng sự sẻ chia, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, kịp lúc từ sức người tới sức của.
Nếu như cơn bão đi qua để lại hậu quả đau lòng thì đằng sau những nghĩa cử tương thân tương ái, đùm bọc, sẻ chia lúc hoạn nạn thiên tai, đâu đó vẫn có một vài “nhân tố” gây bão dư luận bởi sự gian dối khi dùng hai chữ "từ thiện" làm phông bạt cho hình ảnh của mình.
Là một trong những nghệ sĩ luôn tích cực với công tác thiện nguyện từ nhiều năm qua, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đến thời điểm hiện tại, siêu mẫu Xuân Lan đã dành cho chúng tôi những chia sẻ thẳng thắn về cụm từ nhạy cảm "nghệ sĩ từ thiện".
"Người có tâm với cộng đồng vẫn âm thầm làm và không quan tâm tới những lời dè bỉu"
Trên mạng xã hội những ngày qua, có lẽ điều khiến công chúng quan tâm nhất là tinh thần sẻ chia, giúp đỡ bà con bị thiên tai bão lũ ở miền Bắc, đặc biệt là giới nghệ sĩ?
Lần này, các anh chị em nghệ sĩ lao vào tâm lũ, tâm bão với một tâm thế rất cẩn trọng. Nghĩa là, họ tự làm bằng cái tâm của mình, tự đi đến tận nơi hoặc làm trong nhóm nhỏ của mình chứ không nhận tiền quyên góp từ công chúng như trước đây, trừ Thái Thùy Linh – cô ấy vẫn công khai minh bạch, chấp nhận điều tiếng miễn có thể giúp được càng nhiều bà con càng tốt.
Còn đa số anh chị em nghệ sĩ thì chọn các quỹ hoặc số tài khoản của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc để cùng nhau đóng góp.
Ví dụ Hội Tình nguyện viên nghệ sĩ của TPHCM cũng bắt đầu làm các chương trình tình thương để hướng về miền Bắc. Hay các nhóm ca sĩ, nghệ sĩ làm các đêm nhạc hướng về miền Bắc. Tôi nghĩ đó là những hoạt động tích cực của văn nghệ sĩ.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp phản cảm, bất nhẫn làm ảnh hưởng chung tới nghệ sĩ. Điều này rất đáng buồn khi người ta dùng từ thiện để phông bạt cho mình.
Vài năm nay, cụm từ "nghệ sĩ từ thiện" đã trở thành câu chuyện rất nhạy cảm. Nhưng những người có tâm với cộng đồng, với cuộc đời, họ vẫn âm thầm làm và không quan tâm tới những lời dè bỉu. Điều đó rất đáng trân trọng.
Bên cạnh những người ủng hộ một cách thầm lặng hoặc dùng sự uy tín, tầm ảnh hưởng của mình để kêu gọi, để đồng hành chia sẻ nhiều hơn tới đồng bào lúc khó khăn thì cũng có vài nghệ sĩ chọn cách ngược lại, dùng những hoàn cảnh đó để làm những trò PR lố lăng, kệch cỡm. Tôi nghĩ hành động đó rất đáng buồn và nó ảnh hưởng chung tới giới nghệ sĩ.
"Đóng góp một số tiền ít rồi phông bạt lên, đó là sự lừa dối"
Tối 12/9, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đăng tải 12.028 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3, nhằm đảm bảo tính minh bạch của việc ủng hộ trong thời gian qua. Song, từ đó lại pháthiện ra nhiều nhân vật nổi tiếng đã nói quá lên số tiền thực góp, hoặc một số nghệ sĩ bị cho là góp quá ít khi họ quá giàu. Chị nghĩ gì về điều này?
Điều đó rất đáng buồn bởi vì, bạn có thể giàu, có thể nghèo, bạn có thể cho hoặc không cho nhưng nếu có tâm thực sự thì hãy cho theo khả năng của mình chứ không cần phải bị áp lực tới mức nâng lên thành con số rất lớn cho mọi người trầm trồ mà thực tế không đúng như vậy. Hành động này rất đáng trách.
Trong quỹ Hạt Vừng mà tôi đang đồng hành, có những người chỉ ủng hộ 13.000 đồng và nhắn "đây là những đồng tiền cuối cùng của em, em xin phép góp vào 1 chai nước". Điều đó khiến chúng tôi rất xúc động.
Chúng tôi trân trọng từng 1.000 đồng vì nó xuất phát từ cái tâm, chứ không ai xem xét, số tiền phải xứng đáng với tầm hay hình ảnh của người đó.
Đóng góp một số tiền ít rồi phông bạt lên, đó là sự lừa dối. Không nên vậy. Nó gây hệ lụy, ảnh hưởng rất nhiều người khác và bào mòn niềm tin.
Từ thiện là tự nguyện, không ai ép mình cả. Nếu không có tiền, bạn có thể dùng cái tâm của mình để kêu gọi, hoặc dùng công sức lao động góp vào. Như vậy đã rất đáng trân trọng, trân quý.
Chị có cho rằng, việc một số nghệ sĩ giàu công khai con số ủng hộ quá lớn khiến những nghệ sĩ chưa giàu hoặc cuộc sống còn khó khăn bị "áp lực" khi làm thiện nguyện?
Tôi nghĩ, dư luận và mạng xã hội có rất nhiều ý kiến trái chiều. Có những người cho nhiều thì bị nói khoe mẽ, cho ít thì bảo keo kiệt, không vận động thì bảo "ăn chặn không được nên không làm nữa", làm mà che con số thì bảo, mập mờ không minh bạch.
Thực ra, có nhiều người bị áp lực bởi chuyện đó, nhất là khi kinh tế của họ không thoải mái nhưng vì hình ảnh nên họ bị áp lực chia sẻ con số.
Nghệ sĩ cũng là con người, có lúc có show, có lúc không có show. Ví dụ bản thân tôi có 1 năm kinh tế quá vất vả. Bây giờ mong muốn thì nhiều nhưng câu chuyện cơm áo gạo tiền vẫn rất khó khăn. Chưa kể những dự án không thành công, sẽ ảnh hưởng hơn nữa.
Mong muốn thì lớn nhưng thực lực thì không thể. Cho nên theo tôi, mình góp được bao nhiêu thì góp. Mình còn mưu sinh hàng ngày mà. Tuy nhiên khi mình đóng góp bằng cái tâm chân thật thì trời biết, đất biết, lương tâm mình biết.
Còn giờ mình che trời, đạy đất, đem ra những câu chuyện gian dối, khi phơi bày ra thì cũng không biết giấu mặt đi đâu.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!