Đôi khi chính thời điểm đứng trước thềm hôn nhân, tưởng như "ván đã đóng thuyền" đôi bên lại bất ngờ nhận ra nửa kia không phải là điều bản thân muốn kiếm tìm.
Một cô gái trẻ cũng lên diễn đàn mạng chia sẻ câu chuyện tình cảm của mình với nội dung như sau:
"Em với V. yêu nhau 17 tháng thì quyết định cưới. Tuy nhiên càng sát ngày cưới em càng nhận thấy giữa bản thân với bạn trai có quá nhiều điểm bất đồng trong quan điểm sống.
Mẹ V. luôn can thiệp sâu vào việc của các con. Trước đó em với V. đã bàn bạc kỹ về các thủ tục cưới hỏi như ăn hỏi dẫn bao nhiêu lễ, chụp ảnh cưới ở đâu, in thiệp mời thế nào. Vậy nhưng sau cùng mẹ V. bắt phải làm hết theo ý bà. Ban đầu chúng em nói dẫn 9 lễ, sau mẹ anh bảo chỉ dẫn 3 lễ cơ bản, ảnh cưới V. đã thống nhất với em lên Hòa Bình chụp nhưng bà kêu chụp thế tốn kém chỉ ra công viên gần nhà chụp là được.
Buồn là khi ở bên mẹ, em nhận ra V. khác hoàn toàn như lúc ở bên em. Bao nhiêu kế hoạch anh đều đã thống nhất với bạn gái mà mẹ không đồng ý là anh đổi luôn theo ý bà, không cần để ý tới suy nghĩ của vợ tương lai thế nào. Tới mức em cảm giác như đám cưới là của riêng mẹ con anh chứ chẳng liên quan gì em cả. Em góp ý, V. cũng chỉ trả lời rằng ý mẹ thế thì cứ vậy mà làm".
Cô gái này kể, khi nhận ra bạn trai sống quá phụ thuộc vào mẹ khiến cô rất thất vọng và có chút hoang mang cho tương lai về sau. Hơn ai hết cô hiểu rõ 1 điều, kết hôn với người đàn ông chưa đủ trưởng thành trong tư tưởng thì phụ nữ khó có thể hạnh phúc được. Tuy nhiên cô vẫn mong bản thân mình có thể góp ý, từ từ khiến anh thay đổi, trưởng thành hơn. Tiếc là mọi việc không đơn giản như những gì cô nghĩ.
"Đến hôm 2 đứa em hẹn nhau đi mua chăn ga cưới, mẹ V. bảo: 'Bác vừa nói với V. rồi đó, 2 đứa cần mua gì thì cứ ghi ra giấy, đưa tiền để bác đi mua cho. 2 đứa còn trẻ, không biết chọn đồ rồi lại vung tay quá trán mua sắm linh tinh tốn kém lắm'.
Em quay ra nhìn V., ý muốn anh lên tiếng để 2 đứa được chủ động trong việc mua sắm nhưng mẹ anh 'rào' luôn. Bà bảo rằng ý bà chính là ý V., trước nay đều như vậy. Bà còn nói ý, nhà bà trước giờ sống có nề nếp, bố mẹ nói gì con phải nghe, sau em về làm dâu cũng thế, phải theo nếp nhà'.
Nề nếp gia phong của nhà V. em tôn trọng như không đồng tình với cách sống áp đặt của mẹ anh. Vậy nên mặc dù bà nói vậy nhưng em vẫn xin phép bà cho hai đứa được tự tay sắm sửa đồ cưới, nói khéo rằng đồ cá nhân của chúng em, tự chúng em mua mới ưng được. Tuy nhiên V. thấy em nói vậy, anh khó chịu quát em hỗn, dám trái lời mẹ rồi bảo em đã không biết nghe lời mẹ anh thì chẳng mua sắm gì nữa.
Ngay tối đó, V. gửi cho em 1 tin nhắn dài như 1 'tối hậu thư' với nội dung trách em ương ngang. Anh còn cảnh báo rằng muốn làm vợ anh ấy thì em buộc phải thay đổi để quen với nếp nhà anh, bây giờ và sau này đều phải tôn trọng làm theo ý mẹ anh, không được có thái độ như lúc chiều.
Nản quá em nhắn lại: 'Tôi lấy chồng là để có người đồng hành với mình trong cuộc sống cũng như được chồng tôn trọng. Còn kết hôn mà bản thân không được sống là chính mình nữa thì tôi từ chối. Tôi không phản đối anh làm con trai ngoan của mẹ nhưng tôi cũng cần anh là 1 người chồng trưởng thành, sống có lập trường riêng. Tiếc rằng anh lại không được như tôi như những gì tôi kỳ vọng'.
Vậy là em tuyên bố hủy hôn không tiếc nuối".
Khi lựa chọn bạn đời, phụ nữ cần nhất đối phương phải là người biết yêu thương, che chở cho vợ trong mọi hoàn cảnh. Họ cần 1 người đàn ông trưởng thành, biết thế nào là đúng là sai để có thể dắt tay vợ vượt qua sóng gió cuộc đời. Thật tiếc chàng trai trên lại cư xử ngược lại nên bạn gái anh mới chọn cách buông tay anh như vậy.