Sau hơn 100 năm, một thứ vừa lộ diện khiến cả thế giới sửng sốt

Sau hơn một thế kỷ, một phát hiện gây chấn động vừa được các chuyên gia hé lộ.

Một phái đoàn khảo cổ chung giữa Ai Cập và Anh vừa xác định một lăng mộ cổ gần Luxor (Ai Cập) là nơi an nghỉ của Pharaoh Thutmose II. Đây là phát hiện về lăng mộ hoàng gia đầu tiên trong hơn 100 năm, theo thông báo của Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập vào ngày thứ Ba (18/2).

Lăng mộ nằm ở khu vực phía tây Thung lũng các vị Vua, được xem là lăng mộ thất lạc cuối cùng của các vị vua thuộc Vương triều thứ 18 của Ai Cập. Đây cũng là lăng mộ hoàng gia đầu tiên được phát hiện kể từ khi lăng mộ của Vua Tutankhamun được khai quật vào năm 1922.

Các nhà khảo cổ đã xác định danh tính chủ nhân lăng mộ nhờ vào những bình đá alabaster được tìm thấy tại đây. Những hiện vật này có khắc tên của Vua Thutmose II và Hoàng hậu Hatshepsut - một trong số ít phụ nữ từng trị vì Ai Cập cổ đại.

Ngôi đền tang lễ khổng lồ của Hoàng hậu Hatshepsut nằm bên bờ tây sông Nile, tại Luxor, chỉ cách vị trí lăng mộ của Thutmose II vài kilomet.

Sau hơn 100 năm, một thứ vừa lộ diện khiến cả thế giới sửng sốt- Ảnh 1.
Sau hơn 100 năm, một thứ vừa lộ diện khiến cả thế giới sửng sốt- Ảnh 2.

Lối vào lăng mộ của Vua Thutmose II

Mặc dù các nghiên cứu sơ bộ cho thấy nhiều hiện vật bên trong đã bị di dời từ thời cổ đại – khiến lăng mộ không còn xác ướp hay sự lộng lẫy dát vàng như phát hiện về Vua Tutankhamun – nhưng Bộ Cổ vật Ai Cập hôm thứ Ba vẫn gọi đây là “một trong những đột phá khảo cổ quan trọng nhất trong những năm gần đây”.

Lối vào lăng mộ lần đầu được xác định vào năm 2022 tại khu vực núi Luxor, phía tây Thung lũng các vị Vua. Ban đầu, các nhà khảo cổ cho rằng đây là lăng mộ của một hoàng hậu.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu sau đó tìm thấy “các mảnh vỡ của bình alabaster có khắc tên Pharaoh Thutmose II, được ghi rõ là ‘nhà vua quá cố’, cùng với những dòng chữ mang tên hoàng hậu chính của ông, Hoàng hậu Hatshepsut”, qua đó xác nhận chủ nhân thực sự của lăng mộ, theo tuyên bố của Bộ.

Ngay sau khi nhà vua được an táng, nước lũ đã tràn vào hầm mộ, gây hư hại nội thất bên trong và để lại những mảnh vỡ thạch cao có ghi chép một phần Sách Amduat - văn bản tang lễ cổ đại mô tả thế giới bên kia.

Một số đồ tùy táng thuộc về Thutmose II cũng đã được khai quật, đánh dấu “phát hiện đầu tiên” về loại hiện vật này, theo Bộ Cổ vật Ai Cập.

Trưởng đoàn khai quật, Tiến sĩ Piers Litherland, cho biết nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục công việc tại khu vực này với hy vọng tìm ra các hiện vật gốc của lăng mộ.

Sau hơn 100 năm, một thứ vừa lộ diện khiến cả thế giới sửng sốt- Ảnh 3.

Hiện vật được khai quật trong quá trình khảo cổ

Những năm gần đây, Ai Cập chứng kiến làn sóng phát hiện khảo cổ quan trọng, trong bối cảnh nước này nỗ lực thúc đẩy ngành du lịch – nguồn thu ngoại tệ chủ chốt.

Năm ngoái, Ai Cập đã đón 15,7 triệu du khách và đặt mục tiêu thu hút 18 triệu lượt khách vào năm 2025. Trọng tâm trong chiến lược phát triển du lịch của chính phủ là lễ khánh thành Bảo tàng Đại Ai Cập tại chân kim tự tháp Giza, một dự án bị trì hoãn nhiều năm nhưng được khẳng định sẽ chính thức mở cửa trong năm nay.

Nguồn: SCMP