Côn trùng không phải là những loài động vật thân thiện với con người, và có rất nhiều trong số chúng ta luôn mong muốn một ngày nào đó chúng biến mất khỏi thế giới. Nhưng nếu điều đó là sự thật, hệ quả dành cho thế giới của chúng ta sẽ là gì?
Không có ong?
Earthwatch – Tổ chức về môi trường đã tuyên bố ong là loài côn trùng có lợi nhất hành tinh. Ngoài việc sản xuất mật ong, chúng là loài loài thụ phấn chính của thế giới động vật,làm nền tảng cho quá trình tạo nên hạt giống và hoa quả. Nếu không có ong thụ phấn, số lượng cây trồng trên thế giới sẽ giảm 30% và 90% thực vật có hoa sẽ biến mất
Thế nhưng, điều đáng lo ngại là trong những năm gần đây, 30% số lượng ong trên thế giới đã biến mất và thậm chí là tuyệt chủng ở một số quốc gia. Nguyên nhân chính gây lên mối đe dọa này là do biến đổi khí hậu và hóa chất nông nghiệp mà con người sử dụng trong trồng trọt.
Không có gián
Gián là côn trùng bị ghét nhiều nhất bởi ngoại hình xấu xí, hôi hám và truyền vi khuẩn gây dị ứng da cho con người. Thậm chí, nhiều người còn sợ gián hơn cả những loài động vật như rắn, cá mập,… Tuy nhiên, theo ước tính chỉ có khoảng 20 trong khoảng 3.500 loài gián gây hại cho con người.
Ở vùng rừng rậm, gián là nguồn thức ăn cho các loài động vật khác. Gián là nguồn cung nitơ, điều này giúp ích cho sự phát triển của các loài thực vật. Vì vậy, nếu loài gián bị tuyệt chủng, sự mất cân bằng sinh thái sẽ xảy ra cả trong thế giới động vật lẫn thực vật. Và điều đó, thì thật không tốt chút nào.
Không có kiến
Kiến là loài côn trùng khó biến mất nhất, bởi số lượng của loài này lên tới con số 10.000 tỷ. Hơn nữa, chúng có mặt ở khắp các châu lục, ngoại trừ Nam Cực. Nhưng nếu 1 ngày, thế giới mất đi loài kiến, cuộc sống của con người và thế giới động thực vật sẽ trở nên rối loạn bởi những chú kiến bé nhỏ có nhiều chức năng sinh thái rất quan trọng.
Kiến có hơn 14.000 loài với những đặc điểm và chức năng khác nhau. Một số loài sẽ phát tán hạt rơi của thực vật xuống đất, một số khác đóng vai trò thụ phấn cho cây. Ngoài ra, kiến cũng là nguồn thức ăn cho động vật. Thậm chí, ở 1 vài nền văn hóa, kiến còn là thức ăn cho cả con người. Ngược lại, kiến sẽ ăn vật chất phân hủy, việc này giúp làm sạch và giúp môi trường tận dụng chất thải hữu cơ.
Không có ruồi
Ruồi là loài côn trùng đi đến đâu cũng bị xua đuổi, vì chúng có khả năng lây lan nguồn bệnh. Chưa hết, âm thanh phát ra khi bay của chúng khiến nhiều người phải cau mặt khó chịu. Thế nhưng, ít ai biết rằng loài vật khó chịu này vẫn mang đến cho môi trường những tác động tích cực.
Cụ thể, nếu ruồi tuyệt chủng, quá trình phân hủy xác động vật sẽ mất thời gian hơn vì chỉ còn có vi khuẩn và nấm làm việc. Hơn nữa, chúng còn là "công nhân" tích cực trong việc thụ phấn. Cụ thể, trong các loài ruồi, Ceratopogonids là loài ruồi thụ phấn quan trọng của cây trồng nhiệt đới, điển hình là cacao, giúp duy trì sự tồn tại của sô-cô-la.
Không có châu chấu
Qua nhiều nghiên cứu, hơn 150 chuyên gia quốc tế cho biết: 25,7% trong tổng số 1.082 loài côn trùng họ châu chấu có thể bị tuyệt chủng ở châu Âu. Việc trồng trọt ở những nơi chúng sinh sống và sử dụng thuốc trừ sâu là nguyên nhân chính.
Tuy nhiên, sự biến mất của loài vật này cũng tạo nên 1 mối đe dọa lớn. Thứ nhất, chúng là nguồn thức ăn cho chim, bò sát và thậm chí là con người. Chapulines – 1 món ăn làm từ châu chấu là món ăn cung cấp nhiều protein và ít chất béo trong ẩm thực Mexico. Mặt khác, châu chấu còn làm cho các đồng cỏ trở nên tươi tốt và đa dạng sinh học hơn.
Muỗi là ngoại lệ
Chúng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét, Zika… cướp đi sự sống của hơn một triệu người mỗi năm.
Các nhà khoa học không có kết luận cụ thể về điều gì sẽ xảy ra nếu 3.500 loài muỗi biến mất. đúng là việc muỗi biến mất có thể gây nên vấn đề cho côn trùng, nhện, kỳ nhông, thằn lằn và ếch – những loài ăn muỗi. Nhưng các nghiên cứu cũng cho thấy những loài vật đó có thể tìm ra nguồn thức ăn khác.
MỤC LỤC [Hiện]