Cơ quan khí tượng Nhật Bản cho biết khi đổ bộ vào đất liền, bão Shanshan có sức gió giật lên tới 252 km/h, gây ra mưa lớn trên diện rộng.
Thống kê ban đầu cho biết hàng chục người đã bị thương, 2 người mất tích sau khi bị một trận lở đất chôn vùi, khoảng 250.000 ngôi nhà ở Kyushu đã bị mất điện do ảnh hưởng của bão. Gã khổng lồ ô tô Toyota phải tạm dừng sản xuất tại tất cả 14 nhà máy của mình.
Hai người mất tích sau khi bị một trận lở đất chôn vùi do ảnh hưởng của cơn bão (Ảnh: AFP)
Đối với phía Nam Kyushu, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) dự đoán lượng mưa là 1.100 mm trong 48 giờ tính đến sáng 30/8. JMA cũng ban hành "cảnh báo đặc biệt" cao nhất về các cơn bão dữ dội, sóng và thủy triều cao ở một số khu vực thuộc vùng Kagoshima của Kyushu, khuyến cáo 56.000 người dân tại đó phải sơ tán.
Video trên kênh truyền hình NHK phát sóng cho thấy nhiều căn nhà bị thổi bay ngói, cửa sổ bị vỡ và cây đổ. Các cảnh báo chỉ ra rằng "khả năng xảy ra thảm họa lớn do cơn bão gây ra là cực kỳ cao", ông Satoshi Sugimoto - Giám đốc dự báo của JMA - phát biểu tại một cuộc họp báo.
Hãng Japan Airlines đã hủy 172 chuyến bay nội địa và 6 chuyến bay quốc tế theo lịch trình vào trong hai ngày 28 - 29/8, trong khi ANA hủy 219 chuyến bay nội địa và 4 chuyến bay quốc tế trong 3 ngày, từ 27/8. Việc hủy chuyến có thể ảnh hưởng đến khoảng 25.000 hành khách.
Đường sắt Kyushu cho biết sẽ tạm dừng một số dịch vụ tàu cao tốc Shinkansen giữa Kumamoto và Kagoshima Chuo từ đêm 28/8 và cảnh báo về khả năng gián đoạn tiếp theo.
Đường đi của siêu bão Shanshan (Ảnh: AFP)
Các chuyến tàu giữa Tokyo và Fukuoka, thành phố đông dân nhất ở Kyushu, cũng có thể bị hủy tùy thuộc vào điều kiện thời tiết trong tuần này.
Siêu bão Shanshan xuất hiện sau Ampil, cơn bão đã làm gián đoạn hàng trăm chuyến bay và tàu hỏa trong tháng này. Mặc dù đổ mưa lớn nhưng nó chỉ gây ra thương tích và thiệt hại nhỏ. Ampil xuất hiện vài ngày sau khi bão nhiệt đới Maria mang theo lượng mưa kỷ lục đến các khu vực phía Bắc Nhật Bản.
Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 7, các cơn bão trong khu vực đã hình thành gần bờ biển Nhật Bản, mạnh lên nhanh hơn và kéo dài hơn trên đất liền do biến đổi khí hậu.