MB88
VT88

Singapore phạt 9 ngân hàng và tổ chức tài chính 21,5 triệu USD vì rửa tiền

Hàng loạt tên tuổi nổi tiếng đã dính líu đến vụ việc.
Singapore phạt 9 ngân hàng và tổ chức tài chính 21,5 triệu USD vì rửa tiền- Ảnh 1.

Singapore – trung tâm tài chính danh tiếng của châu Á – vừa giáng một đòn mạnh vào chính ngành ngân hàng của mình, khi công bố án phạt tập thể lên đến 27,45 triệu đô Singapore (SGD), tương đương 21,5 triệu USD, đối với 9 tổ chức tài chính trong vụ bê bối rửa tiền lớn nhất kể từ sau đại án 1MDB của Malaysia.

Danh sách các tổ chức bị xử phạt bao gồm những cái tên gạo cội trong ngành tài chính toàn cầu như UBS, Citibank, Julius Baer, Credit Suisse, cùng với các tổ chức khu vực như United Overseas Bank (UOB), LGT Bank, Blue Ocean Invest, Trident Trust và công ty môi giới UOB Kay Hian.

Theo Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS), các tổ chức này đã có những thiếu sót nghiêm trọng và không nhất quán trong việc triển khai các biện pháp chống rửa tiền (AML), đặc biệt trong quá trình thẩm định khách hàng và giám sát giao dịch.

Singapore phạt 9 ngân hàng và tổ chức tài chính 21,5 triệu USD vì rửa tiền- Ảnh 2.

Cuộc điều tra bắt nguồn từ một đường dây rửa tiền có liên quan đến hoạt động cá cược trực tuyến trái phép ở châu Á, dẫn đến việc 10 công dân Trung Quốc bị kết án và tịch thu hàng trăm triệu USD tài sản, bao gồm vàng, bất động sản, đồng hồ xa xỉ và xe thể thao.

Phía MAS xác nhận các tổ chức tài chính nói trên đã không thực hiện đầy đủ quy trình đánh giá rủi ro đối với khách hàng mới, cũng như xác minh nguồn gốc tài sản và theo dõi các giao dịch đáng ngờ.

Điều này đặt ra câu hỏi nhức nhối về năng lực kiểm soát nội bộ của các ngân hàng vốn được đánh giá cao về sự nghiêm ngặt trong quản trị rủi ro.

Hãng Credit Suisse, nay đã sáp nhập vào UBS, chịu mức phạt cao nhất là 5,8 triệu SGD. Ngân hàng UBS bị phạt 3 triệu SGD, còn Citibank (Có 2 chi nhánh tại Việt Nam nhưng đã bán mảng ngân hàng bán lẻ cho UOB từ năm 2022) bị phạt 2,6 triệu SGD.

Trong khi đó, UOB – ngân hàng có chi nhánh tại Việt Nam – bị nêu tên vì không xác minh đầy đủ nguồn tiền của khách hàng, cùng với các nhân viên cấp cao liên quan.

Phát biểu sau quyết định xử phạt, bà Ho Hern Shin, Phó Tổng giám đốc MAS, nhấn mạnh:

"Singapore, như các trung tâm tài chính toàn cầu khác, luôn đối mặt với rủi ro rửa tiền. Chúng tôi sẽ không ngần ngại thực hiện các biện pháp mạnh tay nếu phát hiện tổ chức hoặc cá nhân có hành vi vi phạm nghiêm trọng."

Singapore trong nhiều năm qua đã tự định vị mình là trung tâm quản lý tài sản cao cấp hàng đầu khu vực, thu hút một lượng lớn dòng tiền từ Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông. Nhưng vụ việc lần này làm dấy lên lo ngại rằng quá trình "mở cửa" đón dòng tiền toàn cầu đang đi trước khả năng kiểm soát, đe dọa chính sự minh bạch và danh tiếng của quốc đảo.

Các ngân hàng bị phạt đều ra tuyên bố thừa nhận sai sót và cam kết đã hoặc đang triển khai kế hoạch cải thiện quy trình, bao gồm việc nâng cấp hệ thống giám sát giao dịch, đào tạo lại nhân viên, và siết chặt các bước đánh giá rủi ro khách hàng.

Trước đó, MAS đã phạt Standard Chartered Bank (có chi nhánh ở Việt Nam) 5,2 triệu SGD và Standard Chartered Trust 1,2 triệu SGD do vi phạm quy định chống rửa tiền (AML) và ngăn chặn tài trợ khủng bố (CFT) trong giai đoạn tháng 12/2015–1/2016.

MAS cũng đã phạt Standard Chartered về các lỗ hổng tương tự liên quan đến dòng tiền 1MDB từ 2010–2013. Cụ thể phát hiện 28 vi phạm AML, ngân hàng bị phạt 5,2 triệu SGD và phải cải thiện hệ thống giám sát.

Singapore phạt 9 ngân hàng và tổ chức tài chính 21,5 triệu USD vì rửa tiền- Ảnh 3.

Ủy ban thanh lý 1MDB của Malaysia đã nộp đơn kiện Standard Chartered tại Tòa án Singapore, yêu cầu bồi thường 2,7 tỷ USD, cáo buộc ngân hàng đã "cho phép hơn 100 giao dịch nội bộ từ 2009–2013 giúp che giấu dòng tiền bị biển thủ".

Standard Chartered phủ nhận cáo buộc, cho rằng các bên kiện là "các công ty vỏ bọc" và khẳng định đã cải thiện đáng kể hệ thống AML kể từ thời điểm đó.

*Nguồn: FT, Fortune, BI