Một ứng viên mới ra trường đến ứng tuyển vị trí chuyên gia pháp chế nhưng lại muốn thương lượng một vị trí cao hơn với lý do “học hết 4 năm đại học cũng bay hơn 200 triệu của gia đình rồi”.
Để trở thành nhân viên trong công ty, sinh viên mới ra trường sẽ phải trải qua buổi phỏng vấn tuyển chọn gắt gao của bộ phận nhân sự và các lãnh đạo. Vấn đề này khiến khá nhiều người trẻ quan ngại bởi vừa tốt nghiệp nên còn thiếu kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng mềm...
Về cơ bản, nhà tuyển dụng thường chỉ căn cứ trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, bản lĩnh ứng xử để đánh giá năng lực có phù hợp với công việc sắp tới hay không. Tuy nhiên, một trong những yếu tố khiến sinh viên mới ra trường "mất điểm" ngay lần đầu phỏng vấn xin việc chính là khả năng đánh giá năng lực bản thân cũng như thương lượng về mức lương, thưởng và phúc lợi.
Mới đây, dân cư mạng đã truyền tay nhau đoạn tin nhắn tuyển dụng của một công ty luật. Cụ thể, công ty đang cần tuyển Chuyên viên pháp lý với mức lương thử việc là 4,5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng ứng viên lại muốn thương lượng một vị trí cao hơn với mức lương cao hơn vì bạn này cho rằng, "học hết 4 năm đại học cũng bay hơn 200 triệu của gia đình rồi".
Một trong những tình huống thoả thuận lương thưởng khiến ứng viên "mất điểm" ngay vòng đầu.
Với số tiền không nhỏ mà gia đình phải bỏ ra để nuôi con cái ăn học suốt 4 năm đại học, khi tốt nghiệp, chắc hẳn bạn sinh viên nào cũng muốn tìm cho mình một công việc ổn định với mức lương kha khá, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Tuy nhiên, các ứng viên đôi khi lại đánh giá quá cao bản thân mà không hiểu nhà tuyển dụng họ cần nhiều hơn như thế.
Thực tế cho thấy, lương thưởng sẽ phục thuộc vào năng lực, kinh nghiệm của bạn. Không ai cấm sinh viên mới ra trường có thể nhận mức lương nghìn đô mỗi tháng, thế nhưng để làm được điều đó, bạn phải cố gắng gấp nhiều lần người khác, trau dồi đủ kiến thức, kinh nghiệm cũng như kỹ năng làm việc để thuyết phục nhà tuyển dụng trả cho bạn mức lương xứng đáng.
200 triệu đồng cho 4 năm học không thể trở thành thước đo năng lực, thậm chí bạn có thể là một sinh viên giỏi thì cũng chẳng đồng nghĩa với việc bạn cũng sẽ là một nhân viên giỏi. Đánh giá đúng năng lực bản thân và tiếp tục phấn đấu không ngừng nghỉ mới chính là cách mà người giỏi thật sự vẫn thường làm.
Học phí 4 năm học không thể trở thành thước đo năng lực của bản thân. (Ảnh minh họa)
Ngay sau khi được đăng tải trên các diễn đàn mạng xã hội, câu chuyện hóm hỉnh này đã nhanh chóng nhận được đông đảo sự chú ý của dân tình. Bạn N.M.T viết: "Người mới bắt đầu thì phải phấn đấu dần dần chứ, thời buổi việc làm khó khăn, ở đó mà kén chọn thì đến bao giờ mới có kinh nghiệm". "Vài hôm trước, chị bạn phòng nhân sự kể chuyện có bạn ứng viên cũng ảo tưởng lắm, nắm trong tay tấm bằng Giỏi rồi tự cho mình là siêu sao và hét lương 1.000 USD. Mới ra trường kinh nghiệm còn thiếu, giỏi đến mức độ nào mà đòi hỏi dữ vậy?", Facebook N.L.C kể.
"Ai cũng phải có khởi điểm, dù lương thấp một chút nhưng nếu cố gắng, phấn đấu, chăm chỉ làm việc, bản lĩnh vững vàng, không ngại khó, ngại khổ thì chả mấy mà tăng lương.", bạn T.N.K bình luận...
Theo Kenh14.vn
* Nội dung liên quan: