Trong cuốn “Từ điển từ ngữ Nam Bộ” do tác giả Huỳnh Công Tín biên soạn (được nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 2007), định nghĩa nhà báo là những người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám vào gia đình khiến nhiều người bất ngờ.
Cuốn từ điển này còn dẫn chứng: "Ra trường rồi ở nhà làm nhà báo chớ có làm được gì đâu". Tuy đã để chú thích từ "nhà báo" này mang nghĩa bóng, nhưng cách cuốn sách định nghĩa một nghề nghiệp bằng kiểu "nói vui" này vẫn gây ra tranh cãi.
Đang học tập và theo đuổi nghề báo, nhiều sinh viên bày tỏ sự bức xúc với định nghĩa này. Bạn Mai Hoa, lớp Báo Mạng điện tử K39, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Đứng ở góc độ một người học và được đào tạo nghiệp vụ báo chí, mình cảm thấy không hài lòng khi nghề và ngành mình học đang bị coi nhẹ hơn bao giờ hết. Rất bất công đối với những người đang làm báo chân chính. Nhiều bình luận còn đồng tình với cách giải nghĩa này nên mình càng thấy bất bình hơn”.
Mai Hoa, sinh viên lớp Báo Mạng điện tử K39, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: NVCC
Bạn Nguyễn Thị Hồng Nhung, lớp Báo Phát thanh K38, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng bày tỏ quan điểm: “Theo mình biết thì ý của tác giả muốn nói đến là từ địa phương ở miền Nam, tác giả cũng có chú thích là "nhà báo" ở đây mang nghĩa bóng. Tuy nhiên, vấn đề là nghĩa bóng này mang nghĩa khá tiêu cực, khi đặt vào một cuốn từ điển thì chắc chắn sẽ gây hiểu lầm và có thể ảnh hưởng đến những người đang làm nhà báo.
Vốn dĩ hiện nay nhà báo đã là một nghề bị định kiến khá nhiều rồi nên tác giả cần lên tiếng giải thích một cách chính thức để định nghĩa nhà báo không bị xuyên tạc”.
Hồng Nhung, lớp Báo Phát thanh K38 cho rằng định nghĩa trên dù để chú thích nghĩa bóng vẫn gây hiểu lầm và có thể ảnh hưởng đến những người đang làm nhà báo. Ảnh: NVCC
Còn với Quỳnh Anh, sinh viên khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, vấn đề ở đây là do nhà xuất bản đã không kiểm duyệt kỹ trước khi phát hành.
“Theo mình, vấn đề ở đây là do nhà xuất bản cuốn sách, họ đã không kiểm tra, biên tập và duyệt kỹ trước khi in ấn và phát hành. Còn về suy nghĩ mọi người về nghề báo thì mình thấy nghề nào cũng có một số người thiếu đạo đức nghề nghiệp, khiến “con sâu làm rầu nồi canh”.
Tuy nhiên vẫn có những người họ hết mình, tận tụy và làm đúng trách nhiệm của một người làm báo, những người đó sẽ khiến người khác mến phục cả về kỹ năng chuyên môn và nghiệp vụ. Do đó, theo mình, nghề nào cũng cần làm đúng trách nhiệm và bổn phận, sự cẩu thả trong bất kỳ một nghề nào cũng là sự bất lương”, Quỳnh Anh nói.
Quỳnh Anh, sinh viên khoa Phát thanh – Truyền hình cho rằng, vấn đề ở đây là do nhà xuất bản đã không kiểm duyệt kỹ trước khi phát hành.
Là một cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bạn Lương Thị Hồng Hạnh cũng cảm thấy bất bình khi đọc định nghĩa trên. “Mình không biết người viết đưa từ này vào từ điển có mục đích gì. Nhưng nó có thể mang lại định kiến tiêu cực thêm về nhà báo. Bởi vốn từ trước nhiều người đã có cái nhìn không đúng về nhà báo như “nhà báo nói phét”, “nhỏ không học lớn lên làm báo”…”, Hạnh chia sẻ.
Lương Thị Hồng Hạnh - cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cảm thấy bất bình với định nghĩa nhà báo trong cuốn "Từ điển từ ngữ Nam Bộ". Ảnh: NVCC
Hiện tại, định nghĩa này vẫn gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Về phía Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, đơn vị phát hành cuốn sách cho biết đang cho kiểm tra trên hệ thống về cuốn sách và khi có thông tin đầy đủ sẽ phản hồi đến báo chí.