Dàn siêu xe trong showroom của Phan Công Khanh nhanh chóng "bốc hơi" khiến nhiều người tò mò.
Vụ việc trùm buôn siêu xe Phan Công Khanh bị Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP. HCM tạm giữ vào ngày 9/7 để điều tra, làm rõ về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hiện đang thu hút sự chú ý của giới mê "xế xịn".
Được biết, Phan Công Khanh (hay còn gọi là Khanh Super) sinh năm 1994, quê Bến Tre, vốn đã nổi tiếng trong giới chơi siêu xe cũng như xe phân khối lớn tại Việt Nam từ khá lâu.
"Ông trùm" này là đại diện pháp luật của Công ty K-Supper ở Sài Gòn - đơn vị chuyên kinh doanh ô tô hạng sang có tiếng, đồng thời sở hữu một showroom trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1, TP. HCM).
Trước khi bị công an tạm giữ, trên trang cá nhân, Phan Công Khanh thường xuyên chia sẻ hình ảnh chụp cùng các siêu xe bạc tỷ, đồng hồ hàng hiệu đắt đỏ.
Theo ước tính, tổng giá trị của những chiếc xe mà Phan Công Khanh đã chia sẻ trên Facebook cá nhân cũng như trưng bày tại showroom lên tới hàng trăm tỷ đồng. Con số này chưa tính đến những chiếc xe trị giá cũng lên đến hàng trăm tỷ đồng mà Khanh đang đặt mua từ nước ngoài, dự kiến sẽ nhập về Việt Nam trong thời gian tới.
Có thể kể đến một vài cái tên "sặc mùi tiền" như: Rolls-Royce Phantom VIII (khoảng 80 tỷ đồng), McLaren 720S Spider (23 tỷ), Lamborghini Aventador Roadster (40 tỷ), Ferrari F8 Tributo (22 tỷ) hay hàng chục chiếc Mercedes-AMG G63 trị giá khoảng 13 tỷ đồng mỗi chiếc.
Ngay sau khi Phan Công Khanh bị bắt, những chiếc siêu xe trong showroom trên đường Trần Hưng Đạo (Quận 1, TP.HCM) đã được di chuyển đến nơi khác.
Theo chia sẻ của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn với báo chí, Điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định để đảm bảo cho hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, trong phạm vi thẩm quyền của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản, phong tỏa tài sản.
Trong trường hợp của Phan Công Khanh, cần xác định chính xác số siêu xe ở showroom có phải thuộc sở hữu của người này hay không. Đồng thời cần làm rõ tính pháp lý của những phương tiện đó , liệu có phải tài sản hình thành bởi hành vi vi phạm pháp luật hay không?
Nếu số siêu xe là thuộc sở hữu của riêng Phan Công Khanh, cơ quan chức năng có thể tiến hành kê biên tài sản để đảm bảo công tác thi hành án và chỉ kê biên số tài sản tương ứng với mức bồi thường thiệt hại do nghi phạm gây ra.
Ngoài ra, đối với những khách hàng đang thực hiện giao dịch mua bán xe với Khanh, nếu tài sản có thuộc diện bị kê biên thì phải tạm dừng/hủy bỏ cho đến khi có quyết định giải quyết vụ án. Đối với tài sản không bị kê biên thì giao dịch vẫn có thể tiếp tục, nhưng Phan Công Khanh phải uỷ quyền cho người khác thay mặt mình thực hiện việc mua bán này.