Sự khác biệt giữa người biết tiết kiệm và người sống phung phí khi về già

Không ai biết trước được tương lai, nếu cứ sống chỉ biết tới hiện tại, tiêu xài hoang phí, sau này bạn sẽ phải trả cái giá rất đắt.

Có không ít người trẻ mắc kẹt giữa 2 lựa chọn “chúng ta chỉ sống một lần trong đời” và “chúng ta phải biết tiết kiệm cho tương lai”. Người trẻ khó đưa ra sự lựa chọn cho bản thân nhưng đối với người già, sau khi trải qua những thăng trầm của cuộc đời, họ dễ dàng nhận ra được đâu là điều nên làm.

Những người tiêu xài hoang phí, làm ra bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, đời sống có bao lâu mà phải chắt bóp, cuộc sống là phải tận hưởng, họ có xu hướng không bao giờ tiết kiệm tiền.

Ngược lại, những người sống keo kiệt, bủn xỉn, tiết kiệm quá mức, không dám chi tiêu cho bản thân cũng chẳng phải là điều đáng ca ngợi.

Suy cho cùng, sống cần phải biết để bản thân hưởng thụ những thành quả mình làm ra và song song đó cũng nên tiết kiệm một khoản phòng lúc ốm đau bệnh tật. Có như vậy, bạn mới đảm bảo cuộc sống của mình không phải rơi vào đường cùng.

Sau đây là 2 câu chuyện đáng để bạn phải suy ngẫm:

Ông Vương: Hiếm khi tiết kiệm tiền, sống tận hưởng

Ông Vương đã 65 tuổi, nghỉ hưu được 5 năm, ông thậm chí còn không có nổi 20 nghìn tệ (71 triệu đồng). Khi vợ ông bị bệnh không có tiền chữa trị, sức khỏe không hồi phục nên để lại nhiều biến chứng.

Ông nhớ lại thời điểm vừa mới nghỉ hưu, trong tay có một số tiền lớn nên tiêu xài khá hoang phí. Để thuận tiện cho việc đi lại, ông không tiếc bỏ ra số tiền lên tới 180 nghìn tệ (640 triệu đồng) để mua một chiếc ô tô và thường xuyên mời bạn bè tới nhà ăn uống, tiệc tùng.

Khi mua đồ, ông chỉ quan tâm tới chất lượng chứ không nhìn giá, chỉ cần là thứ mình thích dù đắt đâu cũng sẽ mua. Lúc đó, bạn bè xung quanh đều rất ghen tỵ với cuộc sống thoải mái, nhàn hạ của ông.

Tiêu xài được một thời gian tiền cũng cạn kiệt, lúc này ông còn phải nhờ tới sự trợ cấp của con cái. Ngay cả như vậy, ông cũng không nghĩ tới việc tiết kiệm tiền. Trong khoảng thời gian này, ông chìm đắm trong cuộc sống hưởng thụ, chưa bao giờ nghĩ tới vài năm nữa sẽ như thế nào.

Sống sung sướng được vài năm thì vợ ông phát hiện bị ung thư thực quản. Lúc đó, chi phí phẫu thuật là 40 nghìn tệ (141 triệu đồng), cùng với các khoản phí khác, tổng cộng khoảng 100 nghìn tệ (354 triệu đồng). Sau đó, ông vay mượn nhiều nơi mới gom đủ số tiền để vợ phẫu thuật. Sau ca mổ, vợ ông được xuất viện, cơ thể dần hồi phục nên ông cũng không để ý đến sức khỏe vợ nữa.

Bây giờ, lương hưu hằng tháng không đủ trả nợ cho người khác. Hiểu hoàn cảnh gia đình mình nên vợ ông tự lo cho bản thân, còn ông đi làm thuê xa cho người khác. Ban đầu, không ai muốn nhận vì tuổi tác ông đã lớn. Nhưng sau đó, nhờ một người bạn, ông có được một công việc, tuy việc không quá nặng nhưng cũng đối với tuổi tác của ông thì hơi quá sức.

Cho đến một ngày, vợ ông gọi điện nói không được khỏe. Ông tức tốc quay về thì thấy vợ mình trở nên hốc hác, tiều tụy. Ông chợt nhận ra, vì sợ tốn tiền nên vợ ông cố chịu đựng mọi thứ mà không nói ra. Khi đến bệnh viện tái khám, lời bác sĩ khiến ông choáng váng tại chỗ. Bác sĩ nói rằng, vợ ông không nghỉ ngơi sau ca mổ, cơ thể không hồi phục tốt nên ung thư đã di căn nên giờ tiếp tục mổ sẽ rất khó, chỉ có thể quay về tịnh dưỡng kéo dài thời gian sống.

Ông buồn rầu, số tiền nợ lần trước chưa trả hết, lần này không biết mượn ai. Sau đó, vợ ông ở lại trong bệnh viện một thời gian rồi về nhà chứ không mổ tiếp, 2 tháng sau bà qua đời.

Sau cái chết của vợ, ông hối hận vô cùng, tại sao trước đây lại tiêu xài hoang phí như vậy, tại sao lại không biết tiết kiệm. Nếu có tiền chữa trị, chắc chắn vợ ông đã không ra đi sớm như vậy.

Bà Lưu: Cực kỳ tiết kiệm, lo xa phòng bất trắc

Bà Lưu năm nay đã 68 tuổi, về hưu được 18 năm, bà có một cuốn sổ tiết kiệm lên tới 500 nghìn tệ (1,7 tỷ đồng). Mọi người nói rằng, bà có tiền nhiều như vậy để làm gì. Nhưng đối mặt với những gì họ nói, bà chỉ biết cười trừ cho qua chuyện. Bà quan niệm rằng, thà có tiền còn hơn không có tiền, không ai đảm bảo sau này cuộc sống không xảy ra biến cố nào.

Sự khác biệt giữa người biết tiết kiệm và người sống phung phí khi về già - 3

Ảnh minh họa.

Để tiết kiệm tiền, bà không chỉ bị người ngoài nói, ngay cả con ruột cũng không hiểu. Mặc kệ mọi người nghĩ gì, chỉ đến khi có một biến cố xảy ra, tất cả mọi người đã thay đổi con mắt nhìn bà.

3 năm trước, con trai bà gây tai nạn, buộc phải bồi thường 200 nghìn tệ (700 triệu đồng) nếu không sẽ bị kiện đi tù. Cuộc sống của con trai cũng không dư dả gì, còn phải trả tiền vay ngân hàng lúc mua nhà.

Là người mẹ, bà không thể nhìn cảnh con trai mình vào tù được nên đã đứng ra trả 200 nghìn tệ. Một lần khác, bà lên cơn nhồi máu cơ tim, cần phải phẫu thuật, tiêu tốn không ít tiền của.

Sau này còn một ít tiền, vì cháu ốm nên con trai và con dâu không đi làm, tập trung chăm sóc con. Vì thế, bà đã đứng ra trả nợ ngân hàng thay.

Vì vậy, sau những gì trải qua, mọi người trở nên ngưỡng mộ trước tầm nhìn xa của bà. Sau đó, con trai và con dâu bắt đầu học theo mẹ mình, sống tiết kiệm, không hoang phí nữa.

Qua 2 trường hợp trên, bạn có thể thấy một sự chênh lệch rất lớn. Dù tuổi già sống thoải mái nhưng cũng cần đề phòng tai nạn xảy ra bất cứ lúc nào. Để đề phòng những bất trắc xảy ra bất ngờ, chúng ta cần có một số tiền phòng thân. Chỉ cần trong tay có tiền, bạn mới an nhàn tận hưởng sự bình yên của tuổi già.