Rái cá biển không chỉ đáng yêu mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Bằng cách săn lùng các loài không xương sống như ngao,nhím biển…, rái cá biển giúp duy trì các rừng tảo bẹ. Mà những rừng tảo bẹ này lại góp phần lưu giữ carbon, bảo vệ các vùng bờ biển và cung cấp thức ăn cũng như nơi trú ẩn cho các sinh vật biển khác.
Khả năng săn mồi của rái cá biển khiến chúng trở thành một loài chủ chốt. Bởi nếu không có rái cá biển, nhiều loài sinh vật trú ẩn trong các rừng tảo bẹ sẽ bị diệt vong. Tuy nhiên, loài này đã phải đối mặt với nhiều mối đe dọa, từ việc săn bắn, đánh bắt thương mại đến sự cố tràn dầu.
Số lượng loài đã giảm đến mức gần như tuyệt chủng vào năm 1911. May mắn thay, nhờ vào các sáng kiến bảo tồn, số lượng rái cá biển dần phục hồi. Hiện đã có khoảng 130.000 con rái cá biển trên toàn thế giới.
Rái cá biển có thể được tìm thấy trên khắp Bắc Thái Bình Dương. Theo IUCN - Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, trước đây, phạm vi phân bố của chúng trải dài từ Hokkaido, Nhật Bản đến bờ biển Mexico. Hiện tại, chúng chủ yếu được tìm thấy ở Bắc Mỹ, từ California đến Alaska, cũng như một số khu vực ở đông xa của Nga.
Với bộ lông dày nhất trong các loài động vật – ước tính khoảng một triệu sợi lông trên mỗi inch vuông – lớp lông của rái cá biển giúp chúng giữ ấm trong vùng Bắc Thái Bình Dương lạnh giá. Dù đây chỉ là yếu tố giúp chúng thích nghi với môi trường sống nhưng cũng lại chính là nguyên nhân dẫn đến sự diệt vong của loài, khi bộ lông này trở thành mục tiêu của các thợ săn trong thế kỷ 18 - 19.
Số lượng rái cá biển giảm từ khoảng 150.000 xuống còn 300.000 con vào đầu những năm 1700 và ước tính chỉ còn 2.000 con vào năm 1911. Cùng năm đó, rái cá biển đã được bảo vệ bởi một hiệp ước giữa Mỹ, Nhật Bản, Anh và Nga, nhằm cấm săn và phục hồi rái cá, mặc dù số lượng rái cá vẫn đang được phân bố trên diện rộng.
Sự cố tràn dầu cũng là một mối đe dọa lớn đối với loài này. Vì khi bị dính dầu, bộ lông của rái cá biển mất khả năng cách nhiệt. Không có lớp mỡ dưới da như nhiều loài động vật biển khác, chúng có thể bị đóng băng.
Vào năm 1989, vụ tràn dầu Exxon Valdez đã tàn phá quần thể rái cá biển đang phát triển ở khu vực nam trung Alaska. Và phải mất 25 năm để số lượng trở về mức trước khi xảy ra sự cố.
Tại California, suy giảm dân số đã ảnh hưởng đến các ngành đánh bắt thương mại. Việc sử dụng lưới vây và lưới kéo khiến nhiều con rái cá bị mắc kẹt và chết đuối. Hiện tại, rái cá biển ở California chỉ chiếm khoảng 13% với khoảng 3.000 cá thể còn lại.
Các nỗ lực bảo tồn bao gồm cả việc di chuyển rái cá đến những địa điểm mới để tái hòa nhập với môi trường sống vốn có trước đây của chúng.
Vào những năm 1980, Cục Cá và Động vật Hoang dã Hoa Kỳ (FWS) đã di chuyển 140 con rái cá từ bờ biển trung tâm California đến đảo San Nicolas, cách đất liền 98km, nhằm mở rộng phạm vi phân bố của loài rái cá.
Đến những năm 1970, các nhà bảo tồn đã đưa 59 con rái cá biển từ đảo Amchitka ở Alaska về bán đảo Olympic của bang Washington - nơi loài này vốn đã tuyệt chủng. Dù ban đầu sự phát triển quần thể gặp khó khăn, nhưng đến thời điểm hiện tại, ước tính có khoảng 1.380 con rái cá biển ở bang này.
Sự hồi sinh của rái cá biển đã có tác động tích cực đến các rừng tảo bẹ dọc theo bờ biển California. Sau thời điểm “khủng hoảng” nghiêm trọng xảy ra do nhím biển ăn tảo bẹ vào năm 2013, chính sự trở lại của loài rái cá biển đã giúp kiểm soát số lượng nhím biển và giữ cho các rừng tảo bẹ sinh trưởng khỏe mạnh.
Cũng giống như việc các rừng tảo bẹ phụ thuộc vào rái cá biển, các con rái cá cũng dựa vào tảo bẹ. Không chỉ là nơi tìm kiếm thức ăn, đôi khi chúng quấn mình trong các dải tảo bẹ để không bị trôi đi khi ngủ.
Nguồn: CNN