Sự thật phía sau cảnh "tắc đường" lên đỉnh Everest

'Anh ấy đã đứng trên đỉnh thế giới này nhưng thật đáng buồn là anh ấy không thể quay về nhà', gia đình của Kennison cho biết.

Jason Bernard Kennison là một trong những nhà leo núi tham gia vào chuyến đi chinh phục đỉnh Everest do Asian Trekking điều hành. Giám đốc của tổ chức, Dawa Steven Sherpa, chia sẻ với tờ Himalayan Times rằng Kennison đã bắt đầu có những hành vi bất thường từ đỉnh phía Nam.

2 hướng dẫn viên đi cùng nhanh chóng nhận ra vấn đề và giúp Kennison di chuyển xuống khu vực "ban công" - một vùng đất bằng phẳng nơi người leo núi có thể dừng chân để nghỉ ngơi - nhưng Kennison từ chối di chuyển cùng với hướng dẫn viên.

"Vì các bình oxy mà họ mang theo sắp hết, nên hướng dẫn viên quyết định đi xuống trại số 4 để mang thêm bình oxy lên và giải cứu Kennison", giám đốc Asian Trekking cho biết. Tuy nhiên, gió mạnh và thời tiết xấu đã ngăn cản các hướng dẫn viên quay trở lại vị trí ngay lập tức, Kennison đã qua đời tại khu vực ban công.

Sự thật phía sau cảnh tắc đường lên đỉnh Everest - Ảnh 1.

Hình ảnh Jason Bernard Kennison trong chuyến leo núi

Đặc biệt, đây là chuyến leo núi đầu tiên của Kennison trong vòng 17 năm qua. Vào năm 2006, anh được thông báo rằng bản thân có thể sẽ không bao giờ đi lại được nữa do ảnh hưởng từ vụ tai nạn xe hơi khiến anh phải chiến đấu với chấn thương tuỷ sống và chứng trầm cảm.

Trên trang Just Giving, Kennison chia sẻ động lực để leo lên đỉnh Everest sau ca phẫu thuật cột sống cách đây ba năm: "Một người thân thiết đã thuyết phục rằng tôi vẫn có khả năng làm bất cứ điều gì mình muốn".

Chiếc ván lướt sóng được người thân tặng đã cho anh động lực để nhìn cuộc sống ở một khía cạnh khác, giúp anh nhìn lại những gì bản thân đang thiếu và nhận ra những trở ngại đã vượt qua. Chính vì vậy, Kennison đã hạ quyết tâm chinh phục đỉnh Everest vào năm 2023.

Sự thật phía sau cảnh tắc đường lên đỉnh Everest - Ảnh 2.

Hàng dài người xếp hàng để chinh phục "nóc nhà của thế giới".

Sự thật phía sau cảnh tắc đường lên đỉnh Everest - Ảnh 3.

Những nhà leo núi cắm trại để nghỉ ngơi qua đêm.

Sự thật phía sau cảnh tắc đường lên đỉnh Everest - Ảnh 4.

Dù có hướng dẫn viên bản địa đi cùng, nguy cơ xảy ra rủi ro khi leo núi vẫn còn đó.

Theo Bloomberg, mùa leo núi gần đây tại Everest, đỉnh núi cao nhất thế giới, sẽ trở thành một trong những mùa giải nguy hiểm nhất từ trước đến nay. Giám đốc bộ phận du lịch của Nepal, Yubaraj Khatiwada, cho biết tính đến ngày 24/5, số người thiệt mạng là 8 người và 5 người khác đang mất tích. Số người tử vong năm nay có thể sẽ vượt qua con số 11 người thiệt mạng vào năm 2019, khi những hình ảnh về tình trạng "tắc đường" nghiêm trọng trên đỉnh núi được lan truyền khắp thế giới.

Nhiều cơ sở tổ chức tour leo núi địa phương mới được mở ra trong những năm gần đây để đáp ứng nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên, hướng dẫn viên của họ đôi khi không có đủ trình độ chuyên môn để phát hiện những rủi ro dù rất nhỏ nhưng có thể nhanh chóng gây nguy hiểm quy mô lớn. Ngoài ra, độ tuổi trung bình của những nhà leo núi Everest cũng đang già đi, điều này một phần làm tăng rủi ro ảnh hưởng đến tính mạng. Độ tuổi trung bình hiện tại là 42 tuổi, cao hơn nhiều so với độ tuổi 34 vào năm 1982.

Năm đen tối nhất trong lịch sử chinh phục đỉnh Everest là năm 2014, khi ít hất 17 nhân viên địa phương đã thiệt mạng, nguyên nhân chủ yếu do một trận tuyết lở lớn.

Theo bộ du lịch Nepal, 478 giấy phép leo núi đã được cấp trong mùa du lịch vừa qua, chi phí cho mỗi người để đăng ký lên đến 11.000 USD (tương đương 258 triệu đồng). Vì hầu hết những người mới leo đều cần hướng dẫn viên, nên có khoảng 900 người sẽ cố gắng chinh phục đỉnh Everest cho đến đầu tháng 6.