Cuộc sống sau Tử Cấm Thành của các vua Trung Hoa nói chung và triều Thanh nói riêng không hề sung sướng như nhiều người tưởng, thậm chí đó còn là “thử thách” mà hiếm ai có thể vượt qua.
Hình tượng các vị vua triều Thanh trong phim
Nhà Thanh là triều đại phong kiến cuối cùng có nhiều biến cố nhất trong lịch sử Trung Quốc. Chỉ mới chấm dứt cách đây hơn 100 năm, kể từ vị hoàng đế cuối cùng Phổ Nghi thoái vị năm 1912. Chính vì vậy mà tư liệu lịch sử đều còn rất nhiều và là nguyên liệu vô cùng phong phú để các tác phẩm truyện, ký, tiểu thuyết phim ảnh ra đời. Đặc biệt là giai đoạn Khang – Càn thịnh thế là chủ đề được khai thác nhiều nhất trên tiểu thuyết lẫn phim ảnh.
Ba vị vua nổi bật bởi sự nghiệp lẫn các giai thoại được dựng thành phim nhiều nhất chính là Khang Hy, Ung Chính, Càn Long. Trong lịch sử phim ảnh và kịch nói Trung Quốc, có rất nhiều nam diễn viên thuộc nhiều thế hệ đã tái hiện cuộc đời, sự nghiệp những vị vua nhà Thanh. Tuy nhiên, có lẽ ấn tượng nhất là hình tượng của Càn Long và Ung Chính.
Một trong những Càn Long màn ảnh được yêu thích nhất chính là Hoàng A Mã của Trương Thiết Lâm trong "Hoàn châu cách cách". Ông là Càn Long màn ảnh được yêu thích nhất, nụ cười hồn hậu, biểu cảm giận mà uy, khiến người ta cảm nhận được cái uy quyền của người nắm trong tay quyền sinh quyền sát của thiên hạ.
Hình tượng vua Càn Long của Trương Thiết Lâm gây ấn tượng với nụ cười hiền hậu.
Hình tượng vua Càn Long của Nhiếp Viễn trong Diên Hi công lược được khắc họa là một vị minh quân, hết lòng vì dân, vì nước. Bên cạnh trọng trách duy trì thiên hạ thái bình, Càn Long cũng không quên nhiệm vụ và trách nhiệm với các phi tần chốn cung. Phiên bản Càn Long của Nhiếp Viễn được nhận xét là vị vua màn ảnh sở hữu ánh mắt vừa toát lên khí chất uy nghi lại vừa ấm áp, tràn đầy thâm tình.
Vua Ung Chính do Trần Kiến Bân diễn lại mang đến cho người xem cảm giác là một người nghiêm túc, lạnh lùng và tàn nhẫn gần giống với những mô tả về Ung Chính trong sách sử. Tôn chỉ của ông đối với các phi tần của mình là có thể chiều chuộng nhưng không thể yêu.
Các hoàng đế trên phim đều có cuộc sống hưởng lạc với hàng ngàn mỹ nhân xung quanh.
Khi xem các bộ phim cung đấu, khán giả luôn nhìn thấy hình tượng các ông vua có cuộc sống hưởng lạc, được đứng trên vạn người, được ăn ngon mặc đẹp, có người hầu kẻ hạ và đặc biệt là có tam cung lục viện với hàng ngàn giai nhân. Tuy nhiên, để Thanh triều tồn tại hàng trăm năm và đạt tới tầm ảnh hưởng cao nhất của Trung Hoa lại là điều không hề dễ dàng với Hoàng đế. Thậm chí, giờ làm việc của vua nhà Thanh còn nhiều gấp đôi so với giờ làm việc của người bình thường và mọi hành động, dù chỉ là một chi tiết nhỏ cũng có người để ý, giám sát.
Lịch trình bận rộn của vua nhà Thanh trong lịch sử
Những vị vua đời đầu của nhà Thanh vẫn chưa chú trọng việc ghi chép sử liệu và nguyên nhân một phần là do đất nước chưa đi vào ổn định, nên các vị Hoàng đế dành nhiều sự chú tâm vào việc định nước an bang. Thế nhưng, đến thời vua Khang Hy, mọi lời nói, hành động hàng ngày của vua đều được ghi chép lại.
Hoàng đế phải thức dậy lúc 4 giờ sáng mỗi ngày.
Mỗi ngày của Hoàng đế nhà Thanh thường bắt đầu từ 4 giờ sáng. Sau khi thức dậy, ông sẽ làm các công việc cá nhân và thay y phục. Trước khi lâm triều, vào giờ Dần (tức là khoảng từ 3 - 5 giờ), Hoàng đế sẽ bàn việc quân cơ với các đại thần, nắm trước một chút về chính sự, sau đó mới tiếp các quan cấp dưới. Như vậy, thời gian lâm triều sẽ vào khoảng từ 5- 7 giờ sáng.
Bữa sáng được phục vụ Hoàng đế vào lúc 7 giờ. Mùa thu và mùa hè sẽ sớm hơn bình thường một tiếng đồng hồ. Sau mỗi bữa chính còn có bữa điểm tâm. Nếu như vua thích ăn gì đặc biệt có thể yêu cầu thái giám mang tới. Sau khi hoàng đế ngồi vào bàn ăn, thái giám thuộc Ngự thiện phòng sẽ thử đũa xem thức ăn có biến sắc hay không, sau đó nếm thử trước, nếu không xảy ra chuyện gì thì hoàng đế mới chính thức tiến hành dùng bữa.
Các vị vua thời nhà Thanh chưa bao giờ huỷ chế độ lâm triều.
Sau bữa sáng, Hoàng đế dành vài giờ để đọc tấu chương các đại thần gửi lên. Những tấu chương này sẽ được đưa đến Sở Quân Cơ. Tại đây các vị đại thần và Hoàng đế sẽ bắt đầu kiến khởi, tức họp để đề ra cách giải quyết cho từng nội dung. Vào buổi trưa, ông sẽ một lần nữa ngồi trong thư phòng để đọc hoặc phê duyệt các tấu chương từ các quan lại địa phương.
Vào lúc 1 giờ chiều, Hoàng đế sẽ dùng bữa trưa. Sau khi kết thúc kiến khởi, Ngài sẽ dùng bữa trưa và có khoảng 1 tiếng để nghỉ ngơi. Khi ngủ dậy, Hoàng đế sẽ đọc sách, luyện thư pháp, vẽ tranh, xem các trò giải trí, tìm Thái Hậu hoặc phi tử tâm sự, hay triệu tập các học giả nổi tiếng thảo luận học vấn.
Bữa tối Hoàng đế được uống rượu dưới sự giám sát của một thái giám.
8 giờ tối là khoảng thời gian Hoàng đế dùng bữa ăn nhẹ. Trong bữa tối Hoàng đế được phép uống rượu dưới sự giám sát của thái giám. Khi thấy Hoàng đế uống tới mức độ nhất định, thái giám sẽ nói: “Dừng lại”, Hoàng đế sẽ không được phép uống nữa.
"Ân ái" cần có người giám sát
Chuyện phòng the của Hoàng đế lại được ghi chép rất cẩn thận. Sau bữa tối mỗi ngày là lúc Hoàng đế lật thẻ bài. Nhà Thanh vẫn luôn kiểm soát chặt chẽ các hành vi sắc dục của vua chúa, đến giờ sẽ có người gọi cửa nhắc nhở. Đây là giáo huấn mà tổ tiên để lại.
Vua sẽ lật thẻ bài để chọn ra người được "thị tẩm".
Ngoài ra, việc lật thẻ khác hẳn những gì diễn ra trong phim, Hoàng đế thường sẽ thông qua các ám chỉ bằng cách ban một phần đồ ăn trong bữa tối để triệu kiến Hoàng hậu, phi tần, chứ không trực tiếp tới tẩm cung của họ. Các vị phi tần trước khi tới thị tẩm sẽ được tắm rửa sạch sẽ, cởi quần áo và quấn thân bằng một tấm chăn màu đỏ.
Khi Hoàng đế thị tẩm, thái giám tổng quản của phòng Kính sự sẽ đợi ở bên ngoài và làm nhiệm vụ tính giờ cho Hoàng đế. Để tránh cho các vị quân chủ trầm mê trong tửu sắc, rồi vì tửu sắc mà làm suy nhược cơ thể nên trong hoàng cung nhà Thanh có quy định hạn chế thời gian hành sự của vua. Thông thường, thời gian "hành sự" của vua kết thúc sau khi cháy hết một nén hương, tức khoảng 30 - 40 phút.
Phi tần được chọn "thị tẩm" sẽ được quấn khăn đỏ và mang vào giường của Hoàng Đế.
Trong số các thẻ bài được lật của các vị phi tần không có thẻ tên Hoàng hậu, bởi vì nếu ngày hôm đó, Hoàng đế không muốn thị tẩm ai, thì sẽ chỉ có hai lựa chọn, một là tối đó Hoàng đế ở một mình, hai là đến cung của Hoàng hậu để nghỉ ngơi.
Chế độ ăn uống của vua
Khi dùng bữa, ngoại trừ việc ăn chung với Thái hậu, Hoàng đế không được phép ăn chung với Hoàng Hậu hay phi tần. Đương nhiên cũng có ngoại lệ, đó là khi hoàng đế đi tới cung của Hoàng hậu hay phi tần, nhưng tổ chế quy định: khi vua giá lâm, Hoàng Hậu phải quỳ ở cửa cung nghênh đón, sau khi vua vào điện, Hoàng hậu phải thực hiện tam bái cửu khấu (Quỳ xuống ba lần, dập đầu chín lần), cho nên vua triều Thanh rất ít khi đi tới cung Hoàng hậu hoặc phi tần dùng bữa.
Khác xa trong phim, Hoàng đế trong lịch sử không được ăn cùng Hoàng hâu hay phi tần.
Không chỉ đồ ăn cần phải tinh tế, nước mà vua dùng cũng phải là nguồn nước tươi mát nhất. Mặc dù trong Tử Cấm Thành có gần 100 miệng giếng nhưng tuyệt nhiên không ai dùng nước ở đây. Vì vậy mới có sự xuất hiện của những thái giám đi lấy nước với những chiếc thùng rất to trong các bộ phim.
Một ngày của các Hoàng đế Thanh triều cũng không hề tự do, thoải mái như trên phim. Không chỉ phải làm việc theo những công thức nhất định mà họ còn bị kiềm chế bởi các quy tắc do tổ tông để lại. Thế nên mọi thứ trên phim ảnh chỉ lột tả một phần nào đó đời thực của các vị vua nhà Thanh ngày đó.