Tại sao các phi hành gia không bao giờ kể về những gì họ đã thấy ngoài vũ trụ? Một số thậm chí còn khẳng định vô cùng sợ hãi

Không phải choáng ngợp hay kích thích, cảm xúc của các phi hành gia ngoài không gian thường là sợ hãi.

Từ lâu nay, con người chưa bao giờ ngừng khao khát khám phá vũ trụ rộng lớn. Từ những nỗ lực phóng thuốc súng lên bầu trời thời xưa cho đến sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hàng không vũ trụ hiện đại, khoảng cách giữa chúng ta và không gian đã trở nên gần hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, khi các phi hành gia thực sự đặt chân lên vùng lãnh thổ xa lạ đó, họ thường có những cảm xúc bất ngờ. Không ít người may mắn từng đặt chân ra ngoài không gian cho biết cảm giác lúc ấy không phải hạnh phúc, háo hức, mà là hoảng sợ.

Nỗi sợ hãi khi ở ngoài không gian

Du hành trong không gian giống như đối mặt với vực thẳm, và các phi hành gia luôn phải chấp nhận thách thức của sự sống và cái chết. Một khi họ đã được định sẵn để dấn thân vào sứ mệnh thiêng liêng này cũng đồng nghĩa với việc phải liều mạng.

Không gian ngoài vũ trụ là một cảnh tượng mà khi chưa thực sự trải nghiệm, chúng ta không thể hình dung nổi. Sau khi trở về mặt đất, nhiều phi hành gia đã từ chối hoặc không thể mô tả được chính xác cảm xúc của mình ngoài không gian. Lý do vì đó là một cảm giác lạ lùng đến mức không thể diễn giải bằng lời, hoàn toàn không giống bất kỳ cảm xúc nào họ từng trải qua từ trước đến nay.

Tại sao các phi hành gia không bao giờ kể về những gì họ đã thấy ngoài vũ trụ? Một số thậm chí còn khẳng định vô cùng sợ hãi - Ảnh 1.

Nếu có miêu tả dễ hiểu nhất cho những gì xảy ra ở ngoài không gian, thì hầu hết nhất trí mô tả sự im lặng và hoang vu ở đó là "tối tăm" và "kinh hoàng".

Phi hành gia Trung Quốc Lưu Dương thẳng thắn trả lời phỏng vấn rằng bóng tối của không gian là "không đáy và không thể diễn tả được". Kết hợp với khung cảnh cô đơn của những ngôi sao rải rác xung quanh, không khí này thực sự khiến con người cảm thấy sợ hãi không thể giải thích.

Phi hành gia kỳ cựu Vương Á Bình cũng nói rằng “bóng tối im lặng” và “ánh sáng yếu ớt” trong không gian khiến cô cảm thấy một nỗi kinh hoàng lớn chưa từng có. “Cảm giác khi đi bộ ngoài không gian giống như rơi xuống vực thẳm và không thể tự thoát ra được. Không có gì đáng sợ hơn việc một mình đối mặt với sự rộng lớn của vũ trụ”, nữ phi hành gia Trung Quốc đầu tiên đi bộ ngoài không gian cho biết.

Còn theo mô tả của Trác Chí Cương - 1 trong 3 phi hành gia đã đưa tàu con thoi Thần Châu 7 lên vũ trụ vào năm 2008 thì sự yên tĩnh chết chóc và môi trường tối đen trong không gian mang lại cho anh cảm giác như bị thôi miên. Cảm xúc lúc đó là như bị nuốt chửng xuống vực thẳm, cho dù có đeo dây an toàn, toàn thân anh khó tránh khỏi cảm giác tê dại và rùng rợn.

Tại sao các phi hành gia không bao giờ kể về những gì họ đã thấy ngoài vũ trụ? Một số thậm chí còn khẳng định vô cùng sợ hãi - Ảnh 2.

Hiệu ứng toàn cảnh vũ trụ

Trong quá trình con người khám phá vũ trụ rộng lớn, các phi hành gia là nhóm người có những trải nghiệm cá nhân nhất về những bí ẩn của vũ trụ. Họ là những người đầu tiên được chứng kiến toàn cảnh trái đất. Kể từ khi con người đủ khả năng để ngắm nhìn địa cầu từ khoảng cách xa hơn, khoa học đã có khái niệm hiệu ứng toàn cảnh của vũ trụ.

Khái niệm "hiệu ứng toàn cảnh vũ trụ" lần đầu tiên được đề xuất bởi nhà triết học không gian Frank White vào những năm 1980. Nó đề cập đến sự thay đổi nhận thức mạnh mẽ xảy ra sau khi con người nhìn Trái đất ở quy mô vĩ mô bằng chính mắt mình.

Khi ở trong không gian, bạn sẽ hiểu sâu sắc một điều mà con người đã phải vật lộn để hiểu trong hàng ngàn năm: Trái đất là một tổng thể, mọi thứ đều kết nối với nhau và tất cả chúng ta đều là một phần không thể tách rời của tổng thể này.

Frank White có trải nghiệm này vì ông đã từng ở độ cao đủ xa để nhìn thấy trái đất.

“Vùng đất rộng lớn ban đầu trở nên nhỏ bé trước mắt chúng ta. Những ngọn núi biến mất trong nháy mắt và chỉ có kích thước bằng ngón tay cái. Những thành phố mà con người sinh tồn lại càng trở nên tầm thường… Vào thời điểm đó, ranh giới giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ đã bị xóa bỏ. Mọi thứ trên thế giới dường như đã mất đi ý nghĩa ban đầu”, nhà triết gia viết.

Tại sao các phi hành gia không bao giờ kể về những gì họ đã thấy ngoài vũ trụ? Một số thậm chí còn khẳng định vô cùng sợ hãi - Ảnh 3.

White cho biết mình chưa bao giờ nhìn thấy cảnh tượng kinh hoàng như vậy và cho rằng nó nằm ngoài tầm hiểu biết của con người.

Ông đã xuất bản cuốn sách "Hiệu ứng toàn cảnh của vũ trụ: Khám phá không gian và sự tiến hóa của loài người" vào năm 1987. Trong cuốn sách, ông đã phỏng vấn các phi hành gia, nhà khoa học, những người đã tận mắt chứng kiến toàn cảnh trái đất.

Phi hành gia người Mỹ Sandra Magnus cho biết: "Nhìn qua cửa sổ, bầu không khí rất mỏng. Điều này khiến tôi nhận ra rằng chúng ta đang sống trên một quả bóng có sự sống mong manh như vậy".

Cảm xúc của chỉ huy Apollo 14 Alan Shepard bộc trực hơn: “Khi tôi đứng trên mặt trăng và nhìn trái đất lần đầu tiên, tôi đã khóc”.

Có thể thấy, khi các phi hành gia nhìn thấy toàn cảnh trái đất, họ chắc chắn sẽ xúc động và bàng hoàng. Tuy nhiên, không phải tất cả các phi hành gia đều có cảm xúc tích cực về cái nhìn toàn cảnh của trái đất. Phi hành gia Trung Quốc Lưu Dương dùng cụm từ “bóng tối không đáy của không gian” để mô tả sự rộng lớn của vũ trụ. Ông cho biết mình đã cảm thấy vô cùng cô đơn và sợ hãi.