Ngôn ngữ là công cụ để mọi người giao tiếp với nhau. Có một người bạn từng nói với tôi rằng, ngôn ngữ có một sức mạnh rất lớn nhưng không phải ai cũng biết. Nếu một người luôn nói một điều giống nhau trong thời gian dài, những lời này như một dự báo tâm linh, tác động tốt hoặc xấu đến cuộc sống của người đó.
Có một người có tài ăn nói khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ, đó là Gia Cát Lượng. Bằng cách sử dụng ngôn ngữ, ông thể hiện tài hùng biện của mình một cách đáng kinh ngạc, nhiều lần xử lý các tình huống hiểm nghèo chỉ trong gang tấc.
Tuy nhiên, việc sử dụng ngôn ngữ cũng cần chú ý trong một số trường hợp. Nếu sử dụng sai từ ngữ trong những dịp không phù hợp, nó sẽ gây tổn hại đến mối quan hệ giữa các cá nhân. Chỉ một từ bị sai trong hợp đồng làm ăn cũng gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
Tôi từng đọc thấy một câu nói này trên mạng: "Khi bạn muốn nói, những gì bạn nói ra phải có giá trị, còn không hãy im lặng".
Nếu việc giao tiếp bằng ngôn ngữ không mang lại hiệu quả như mong muốn, tốt hơn bạn nên im lặng. Bởi có một điều bạn cần phải nhận ra rằng, học cách nói hay không hề dễ dàng nhưng học cách im lặng lại càng khó hơn.
Quả thật, học cách im lặng vào những lúc thích hợp thậm chí còn được xem như nghệ thuật giao tiếp. Vì đôi khi sự im lặng còn có sức mạnh to lớn hơn cả lời nói.
Ví dụ: Trong một lần 2 người xảy ra xung đột. Một bên nói không ngừng, còn một bên chỉ im lặng lắng nghe. Mọi người tin rằng, người im lặng mới là người khôn ngoan. Họ sử dụng sức mạnh của sự im lặng để thu hút sự chú ý của mọi người về phía mình, dù chưa biết ai đúng ai sai nhưng “im lặng là vàng” đã phát huy tác dụng tốt nhất trong trường hợp này. Đó chính là sự khôn khéo của những người biết nhịn, biết im lặng đúng lúc.
Im lặng không có nghĩa đồng ý, là bằng lòng trước những gì đối phương nói. Nó thực chất là một hình thức tự bảo vệ bản thân. Những lời nói không phù hợp đôi khi còn phản tác dụng, mang lại kết quả tồi tệ hơn. Vì vậy, im lặng chính là chìa khoá tốt nhất vào lúc này.
Có một câu chuyện kể về một công ty nọ. Trong một cuộc họp, giám đốc hỏi mọi người có ý kiến hay đề xuất gì không, có thể trao đổi thoải mái vào lúc này. Mọi người đều tranh nhau đóng góp ý kiến của mình, riêng chỉ có một chàng trai trẻ từ đầu đến cuối vẫn không nói lời nào.
Cuối cùng, vị giám đốc đã để ý tới và hỏi tại sao anh không đưa ra ý kiến như mọi người. Anh nói rằng, do mình mới vào công ty không lâu, tốt nhất nên ngồi lắng nghe mọi người nói để học hỏi kinh nghiệm.
Giám đốc cho rằng, chàng trai này rất đặc biệt. Tuy rằng lúc đó ông không nói gì nhưng trong thâm tâm bắt đầu để ý tới chàng trai này. Sau đó, anh được thuyên chuyển sang vị trí thư ký riêng của giám đốc.
Trong cuộc họp này có vài người đưa ý kiến đóng góp rất đáng khen ngợi nhưng tại sao vị giám đốc lại thích chàng trai trẻ im lặng?
Thực ra, không phải chàng trai này không biết ăn nói, vì thông qua lời nói anh đã chứng tỏ mình là người có trình độ và thái độ khiêm nhường muốn học hỏi. Anh là một người thông minh, biết cách tiết kiệm năng lượng cho bản thân. Mặc dù không nói được lời hoa mỹ như người khác nhưng lại khiến sếp chú ý tới mình thông qua sự im lặng đúng lúc, đó cũng là một cách hay.
Sự im lặng của chàng trai này đã thể hiện 2 điều. Thứ nhất, anh cũng đã nói bản thân cần học hỏi mọi người do vừa mới vào công ty. Thứ 2, anh biết cách tận dụng cơ hội để tiếp thị bản thân trước sếp mình. Và đương nhiên với thái độ khiêm tốn của mình, anh thu hút được sự chú ý của sếp và sau đó có cơ hội được thăng chức.
Qua trường hợp của chàng trai trên, chúng ta có thể thấy rằng, có những thời điểm sự im lặng có sức mạnh hơn cả lời nói. Người biết giữ im lặng cũng là người khôn ngoan. Trong một số trường hợp, “cái miệng hại cái thân”, sự im lặng đúng lúc sẽ là lựa chọn thông minh.