Tại sao lục địa Châu Phi đang bị chia tách thành hai: Giải mã bí mật địa chất âm ỉ suốt hàng chục triệu năm

Sự kiện này sẽ không diễn ra nhanh chóng hay kịch tính mà sẽ là một quá trình rất chậm

Dưới bề mặt ổn định tưởng chừng yên ả của Trái Đất là những biến động không ngừng. Chúng ta đang sống trên các mảng kiến tạo khổng lồ, được thúc đẩy bởi lớp lõi nóng chảy bên dưới, liên tục dịch chuyển, tạo nên động đất, núi lửa và thậm chí xé rời các lục địa. Hiện nay, châu Phi đang nằm trong một quá trình chia tách địa chất chậm rãi nhưng sâu sắc, có thể thay đổi hoàn toàn diện mạo của hành tinh này trong hàng chục triệu năm tới.

Sự chia tách này diễn ra dọc theo Hệ thống Rãnh Đông Phi (EARS), một trong những hệ thống rãnh nứt lớn nhất thế giới, kéo dài hàng ngàn km qua các quốc gia như Ethiopia, Kenya, Tanzania và Mozambique. Trong quá trình này, mảng kiến tạo Somalia – phần nhỏ hơn của châu Phi – sẽ dần dần tách khỏi mảng Nubia lớn hơn.

Tại sao lục địa Châu Phi đang bị chia tách thành hai: Giải mã bí mật địa chất âm ỉ suốt hàng chục triệu năm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Quá trình này đã diễn ra từ khoảng 25 triệu năm trước, và dù tốc độ tách rời rất chậm, nhiều dấu hiệu trên bề mặt cho thấy sự chuyển động vẫn đang tiếp tục. Năm 2018, một vết nứt lớn ở thung lũng Rift, Kenya, từng khiến dư luận xôn xao, mặc dù một số nhà khoa học cho rằng vết nứt đó có thể do xói mòn đất hơn là kết quả trực tiếp của sự tách rời kiến tạo.

Dù vậy, đây chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh lớn về sự chia tách của châu Phi. Sự kiện này sẽ không diễn ra nhanh chóng hay kịch tính mà sẽ là một quá trình rất chậm. Theo dự đoán, một vùng biển rộng lớn sẽ hình thành giữa hai mảng kiến tạo, biến phần phía đông của châu Phi thành một lục địa mới, tương tự như cách Biển Đỏ hình thành và chia tách Ả Rập với châu Phi.

Đây không phải lần đầu tiên Trái Đất chứng kiến các lục địa chia tách và hợp nhất. Cách đây hàng trăm triệu năm, các lục địa hiện nay từng kết hợp thành siêu lục địa Pangaea. Sau đó, do sự chuyển động của các mảng kiến tạo, Pangaea bị kéo rời thành các châu lục như chúng ta thấy ngày nay. Bằng chứng là các hóa thạch giống nhau của loài Mesosaurus, một loài bò sát cổ đại 290 triệu năm tuổi, đã được tìm thấy ở cả Nam Mỹ và châu Phi, cho thấy chúng từng nằm sát nhau.

Trong lịch sử của Trái Đất, các lục địa đã hợp lại rồi lại tách ra ít nhất ba lần. Sự tách rời của Đông Phi hiện nay chỉ là một chương nữa trong cuốn sách địa chất dài hàng tỷ năm. Tuy nhiên, liệu con người có tồn tại đủ lâu để chứng kiến sự kiện này hoàn tất hay không lại là một câu hỏi khác.