Không ít ông bố bà mẹ đang có kế hoạch sinh con trong năm mới Tân Sửu 2021 vì quan niệm đây là năm "trâu vàng". Vậy tại sao năm mới này lại được coi là năm trâu vàng?
Cứ mỗi khi năm mới đến là những người có quan điểm duy tâm thường nói về "năm vàng". Năm vàng là năm may mắn, mọi việc suôn sẻ và có thể làm những việc quan trọng trong năm này, đặc biệt là việc sinh em bé bởi người ta cho rằng sinh ra ở tuổi của năm này thì rất đẹp, số mệnh sau này sẽ vinh hoa phú quý. Vậy nên mọi người thường thêm "vàng" vào con giáp năm mới như năm lợn vàng, chuột vàng, trâu vàng...
Thực chất quan niệm "năm vàng" xuất phát từ 2 quy tắc trong phong thủy hay tử vi là Thiên can địa chi và Ngũ hành. Năm Tân Sửu trong thiên can có canh và tân là thuộc hành Kim (vàng), trong ngũ hành thì những năm thuộc hành Thổ (đất) cũng là năm vàng, nhưng vàng ở đây chỉ màu sắc theo ngũ hành chứ không có nghĩa là "vàng bạc châu báu". Và theo quy tắc này thì năm Tân Sửu được coi là năm "trâu vàng".
Cũng theo quan niệm nói trên thì đặc điểm, tính cách của những người sinh năm "trâu vàng" phụ thuộc yếu tố Kim, tạo nên tính cách nghiêm túc có phần cứng nhắc. Vàng cũng tượng trưng cho sự rõ ràng, tinh khiết và chính xác nên những người tuổi này hứa hẹn trở thành một nhà quản lý, nhà tổ chức và lãnh đạo xuất sắc.
Người sinh năm "trâu vàng" còn được cho là người năng nổ, không bao giờ bỏ cuộc. Tuy nhiên, yếu tố "vàng" cũng khiến người này hơi khó tính nên cần học cách thư giãn, điều hòa hệ hô hấp.
Mặt khác, xét ở góc độ văn hóa thì con trâu biểu trưng cho sự chăm chỉ, hiền lành, khỏe mạnh, chất phác, cần cù, chăm chỉ và khoẻ mạnh. Bởi thế mà khi nói về sức khỏe người ta hay nói "Khỏe như trâu". Thành ngữ "Con trâu là đầu cơ nghiệp" nói lên vai trò quan trọng của con trâu đối với nhà nông và nền nông nghiệp xưa.
Con trâu là biểu tượng cho sức mạnh cộng đồng dù bản tính hiền lành. Trâu trong tự nhiên vốn là một loài vật dũng cảm, thiện chiến, không dễ bị bắt nạt vì có sức khỏe kinh ngạc và cặp sừng lợi hại, biết hiệp đồng để chống lại kẻ thù.
Con trâu cũng mang một nét văn hóa đồng quê bình dị, gắn liền với tuổi thơ của bao trẻ em nông thôn. Trẻ em nông thôn Việt Nam rất gần gũi với trâu, tắm với trâu, cưỡi trên lưng trâu, thả diều cùng trâu bên lũy tre đầu làng, bên những vựa lúa chín vàng nên những trẻ em chăn trâu còn gọi là trẻ trâu. Vậy nên ca dao, tục ngữ xưa còn lãng mạn hóa việc chăn trâu rằng "Ai bảo chăn trâu là khổ".
Tuy vậy, các bậc cha mẹ cũng nên lưu ý là không nhất thiết phải sinh con năm "trâu vàng" bởi như đã nói ở trên, ngoài trâu vàng thì cũng có chuột vàng, lợn vàng... Làm cha mẹ thì ai cũng muốn sinh con tuổi đẹp để cầu cho một tương lai may mắn nhưng sinh nở vốn là việc tự nhiên, là “của trời cho” nên các ông bố bà mẹ không nên vì "năm vàng" mà nhất định sinh con bằng được.
Các thuyết ngũ hành, bản mệnh có giá trị nhất định trong lịch sử văn hóa nhân loại nhưng có lẽ ở vào thế kỷ 21 của khoa học - kỹ thuật hiện nay thì nó đã trở nên lỗi thời. Tốt hơn hết là chúng ta hãy tin vào chính bản thân mình, tự tin sinh con vào bất kỳ thời điểm tinh thần, điều kiện gia đình thoải mái nhất cũng như tự tin nuôi dưỡng, giáo dục con trưởng thành một cách khỏe mạnh./.