Bắt đầu giữa tháng 7, dịch bệnh ở Bình Dương trở nên phức tạp, địa phương buộc phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, mọi hoạt động gần như “đóng băng”, trong đó có giáo dục. Là thầy giáo dạy tiếng Anh tại một trung tâm ở TP Thủ Dầu Một, anh Dương Thành Kiên cũng đành chấp nhận nghỉ dạy.
“Do tính chất học trực tuyến không mang lại hiệu quả cao nên tôi và phụ huynh học sinh thống nhất với nhau sau khi dịch ổn sẽ học tại lớp. Rồi thời gian trôi qua, tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, tôi đã có suy nghĩ làm gì đó bằng khả năng của mình để giúp bà con sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này”, anh Kiên nói.
Anh Kiên nhớ lại: “Một ngày đầu tháng 8, tôi vô tình đọc được tin tức kêu gọi tình nguyện viên chạy xe cấp cứu chở bệnh nhân F0. Khi đó, tôi suy nghĩ về sự nguy hiểm, những biến cố có thể xảy ra khi thật sự bước ra tuyến đầu và đi vào tâm dịch. Là con trai duy nhất trong gia đình, tôi không thể nào thờ ơ trước sự lo lắng của ba mẹ khi biết tin mình đi tình nguyện, có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào. Thế nhưng, hàng ngày báo, đài cứ đăng tin về tình trạng bà con bệnh nặng nguy kịch không qua khỏi vì không được kịp thời đưa đi nên tôi không thể ngồi yên”.
Vượt sợ hãi, giấu cha mẹ đi cứu F0
Anh Kiên điền thông tin cá nhân vào đơn đăng ký đội xe cấp cứu nhanh của Sở Giao thông vận tải Bình Dương kêu gọi. "Vì sợ ba mẹ lo lắng, tôi phải giấu họ. Ngày 13/8, tôi chính thức nhận lệnh điều động đến Trung tâm y tế thị xã Tân Uyên để nhận xe và phân công nhiệm vụ”, anh Kiên cho biết.
Khi được hỏi cảm giác thế nào ngày đầu tiên làm nhiệm vụ, anh Kiên chia sẻ, vừa chạm vào vô lăng, ngay sau lưng có một thiết kế khác như mọi chiếc xe anh từng thấy. “Tấm chắn ngăn cách đã làm tim tôi đập nhanh và nghĩ rất nhiều. Nhiệm vụ đầu tiên, tôi chở một F0 là cụ già từ nhà đến khu cách ly tập trung tại phường Uyên Hưng (TX Tân Uyên). Lúc đầu tim đập mạnh, tay vừa cầm vô lăng vừa run vì biết F0 ngồi sau lưng mình nhưng rồi cũng đã chiến thắng bản thân trong nhiệm vụ đầu tiên và dần quen với việc chở 5 đến 6 F0 trên cùng một chuyến xe”, anh Kiên nói.
Sau mỗi lần di chuyển F0, anh Kiên được khử trùng để đảm bảo an toàn
Đến ngày 20/8, anh Kiên được điều động đến địa bàn TP Dĩ An cũng là một trong những điểm nóng về dịch tại Bình Dương. Anh Kiên nói rằng, đó là một kỷ niệm đáng nhớ nhất khi 4h sáng đang ngủ có điện thoại của chị hộ sinh nhờ chuyển một ca F0 trở dạ đến khoa sản. Là một chàng trai chưa lập gia đình nên việc đỡ đẻ khiến anh lo lắng nếu chẳng may em bé chào đời trên đường chuyển từ khu cách ly đến viện không biết phải làm sao. “Dù có chút lo lắng nhưng thời gian không cho mình suy nghĩ quá nhiều, tôi tức tốc ra xe nổ máy và chạy ngay để kịp đưa chị vào khoa sản. May mắn đã mỉm cười, tôi đưa sản phụ F0 đến được Trung tâm Y tế TP Dĩ An an toàn và em bé chào đời trong sáng hôm ấy”, anh Kiên tâm sự.
Anh Dương Thành Kiên cho biết, tính đến ngày 9/9, anh đã vận chuyển hơn 1.000 F0 tại TX Tân Uyên, TP Dĩ An và TP Thủ Dầu Một. Phương tiện anh Kiên di chuyển F0 được cơ quan chức năng trưng dụng là taxi. Do F0 những ngày qua ở Bình Dương ghi nhận nhiều nên anh Kiên phải làm việc suốt ngày lẫn đêm.
Anh Kiên chuẩn bị di chuyển F0
Trước khi dịch bệnh ập đến, anh Kiên tham gia giảng dạy ngoại ngữ cho học viên tại trung tâm
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, trước việc các đoàn chi viện lần lượt quay trở về sau thời gian đến hỗ trợ, địa phương đã huy động gần 1.500 công chức, viên chức tham gia tình nguyện làm công tác phòng, chống dịch. Ngoài ra, địa phương đã vận động 20.000 tình nguyện viên, ngoài việc hỗ trợ lực lượng xét nghiệm, tiêm vắc xin còn di chuyển F0 sau khi phát hiện đến khu cách ly, điều trị.