Cảnh tượng bên trong lăng mộ của Thượng Quan Uyển Nhi. Ảnh: Weibo
Vào năm 2013, các nhà khảo cổ học tại Tây An đã có một khám phá đáng kinh ngạc khi tiến hành khảo sát cho một dự án xây dựng đường giao thông mới: một ngôi mộ 1.300 năm tuổi thuộc về một trong những nữ chính trị gia quyền lực nhất trong lịch sử Trung Quốc: Thượng Quan Uyển Nhi.
Thượng Quan Uyển Nhi từng là nữ quan thân cận nhất của Võ Tắc Thiên - nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Nhưng sau cái chết của Võ Tắc Thiên, Thượng Quan Uyển Nhi đã bị giết trong một cuộc đảo chính đẫm máu, và nơi an nghỉ cuối cùng của bà vẫn là một bí ẩn trong nhiều thế kỷ.
Vì vậy, phát hiện này đã tạo ra sự phấn khích lớn ở Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với các nhà khảo cổ học địa phương, khoảnh khắc này thật sự là buồn vui lẫn lộn.
"Chúng tôi không cần khai quật nó- nó đã ở đó 1.300 năm, tại sao chúng tôi lại muốn khai quật nó vào năm 2013? Nhưng khi ngôi mộ đang phải đối mặt với sự phá hủy do dự án xây dựng, chúng tôi phải làm công việc của mình", Li Ming - nhà nghiên cứu dẫn đầu cuộc khai quật - nói với Sixth Tone.
Theo trang Sixth Tone, tình trạng này đã trở nên phổ biến tại các thành phố cổ của Trung Quốc như Tây An trong những năm gần đây.
Trung Quốc ngày nay chú trọng nhiều hơn đến việc bảo tồn di sản văn hóa của mình so với những năm 1990 - khi tăng trưởng kinh tế vượt bậc là ưu tiên số một. Các chuyên gia về di sản văn hóa hiện đang tham gia vào mọi dự án phát triển đô thị lớn, và các cuộc khảo sát phải được tiến hành để xác định và bảo tồn các di tích lịch sử trước khi bắt đầu bất kỳ công trình xây dựng mới nào.
Cách tiếp cận mới đã thay đổi ngành khảo cổ học Trung Quốc, dẫn đến một số khám phá đột phá. Nhưng chúng cũng tạo ra những thách thức tại các thành phố cổ như Tây An - nơi các hiện vật lịch sử dường như "ẩn nấp" dưới mọi giao lộ.
Tây An hiện có 3.246 địa điểm là "di sản văn hóa bất động"
Theo trang Sixth Tone, thành phố Tây An - nằm ở phía tây bắc tỉnh Thiểm Tây của Trung Quốc - gần như chìm đắm trong lịch sử. Tần Thủy Hoàng - hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc - đã xây dựng lăng mộ rộng lớn của mình và đội quân đất nung nổi tiếng chỉ cách đó vài chục km về phía đông bắc. Một số triều đại phong kiến Trung Quốc sau đó đã chọn thành phố này làm kinh đô, bao gồm cả các đế chế thịnh vượng của nhà Hán và nhà Đường.
Các nhà khảo cổ làm việc bên trong một trong những hố khai quật tại Lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Tây An vào năm 2012. Ảnh: VCG
Đặc biệt, triều đại nhà Đường (từ năm 618 đến 907 sau Công nguyên) được coi là thời kỳ hoàng kim ở Trung Quốc. Tây An - hay Trường An, như tên gọi lúc bấy giờ - là một trong những thành phố lớn nhất thế giới vào thời điểm đó, nằm ở trung tâm của một mạng lưới thương mại rộng lớn trải dài từ Trung Quốc đến Trung Đông.
Bảo vệ tất cả di sản này là một nhiệm vụ to lớn. Tây An hiện có 3.246 địa điểm là "di sản văn hóa bất động" (immovable), 52 trong số đó được liệt kê là di tích văn hóa quan trọng cấp quốc gia của Trung Quốc. Và danh sách này đang tăng lên hàng năm, khi các đội xây dựng liên tục khai quật thêm nhiều di tích lịch sử.
Nhà khảo cổ Li Ming cho biết, chi phí tài chính để bảo tồn các di tích này rất đáng kể. Và nó cũng khiến cho sự phát triển của thành phố trở nên khó lường. Trong một số trường hợp, các dự án xây dựng lớn đã phải thay đổi sau khi các cuộc khảo sát phát hiện ra những ngôi mộ cổ tại đó.
Ông Li - người trước đây làm việc tại Học viện Khảo cổ học Thiểm Tây, trước khi được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Bảo tàng Han Yangling tại Tây An - cũng phải tham gia đoàn khảo sát vào năm 2019, sau khi ngôi mộ của một hoàng thân nhà Đường khác được xác định trong quá trình chuẩn bị mặt bằng cho một dự án xây dựng đường bộ.
Ngôi mộ này thuộc về Tiết Thiệu - người chồng đầu tiên của Thái Bình Công chúa - con gái Võ Tắc Thiên. Cũng như nhiều lăng mộ thời Đường, đó là một công trình kiến trúc đồ sộ nhưng không có dấu hiệu của hài cốt.
Lý do là vì các ngôi mộ chủ yếu là biểu tượng chính trị trong thời Đường. Các quý tộc đã xây dựng những ngôi mộ xa hoa cho người thân và người cùng chí hướng của họ, đồng thời phá hủy những ngôi mộ của địch thủ - để khẳng định quyền lực và tính chính danh của họ, ông Li nói.
Khu lăng mộ của Tiết Thiệu tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone
Ông Li cho biết thêm, các nhà khảo cổ muốn tránh khai quật những khu mộ này nếu có thể. Cách tốt nhất để bảo vệ di tích lịch sử là giữ nguyên chúng trong lòng đất. Nhóm của ông chỉ hành động khi đó là cách duy nhất để cứu một di tích khỏi bị phá hủy, chẳng hạn như trường hợp các ngôi mộ của Thượng Quan Uyển Nhi và Tiết Thiệu.
Nhiều trường hợp tương tự có thể sẽ xuất hiện trong tương lai. Bất chấp hàng chục năm nghiên cứu, các nhà khảo cổ học tại Tây An vẫn chưa xác định được lăng mộ của một số hoàng đế, chứ đừng nói đến lăng mộ của nhiều nhân vật lịch sử khác từng sống tại đây.
Ông Li cho biết, các nhà khảo cổ đang cố gắng lập bản đồ dự đoán về các khu chôn cất của Tây An nhằm ngăn ngừa các cuộc khai quật bất khả kháng, để di tích có thể an toàn trước các dự án phát triển trong tương lai. Nhưng đó là một công việc khó khăn do số lượng lớn các mộ.