Thái Bình Dương sẽ biến mất để hình thành siêu lục địa mới?

Các chuyên gia tin rằng siêu lục địa mới sẽ hình thành trên đỉnh Trái đất và cuối cùng sẽ nghiêng về phía nam phía xích đạo. Nếu điều này xảy ra thì Nam Cực có thể vẫn bị cô lập ở dưới cùng của thế giới.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Curtin ở Úc và Đại học Bắc Kinh ở Trung Quốc cho biết Thái Bình Dương đang dần thu hẹp lại khoảng 2,5cm/năm. Do đó, vào một thời điểm nào đó, họ tin rằng đất liền của Trái đất sẽ kết hợp lại với nhau, châu Mỹ và châu Á sẽ va chạm để tạo ra một siêu lục địa mới gọi là Amasia.

"Trong 2 tỉ năm qua, cứ sau 600 triệu năm, các lục địa trên Trái đất đã va chạm với nhau để tạo thành một siêu lục địa, được gọi là chu kỳ siêu lục địa. Điều này có nghĩa là các lục địa hiện tại sẽ kết hợp lại với nhau sau vài trăm triệu năm nữa", đài NDTV của Ấn Độ dẫn lời tiến sĩ Chuan Huang, tác giả chính của nghiên cứu.

Thái Bình Dương sẽ biến mất để hình thành siêu lục địa mới? - Ảnh 1.

Thế giới có thể có một siêu lục địa mới trong vòng 200 triệu đến 300 triệu năm tới - Ảnh: NDTV

Mô phỏng các mảng kiến tạo của Trái đất bằng siêu máy tính, nhóm nghiên cứu nói rằng họ có thể chứng minh trong khoảng thời gian chưa đầy 300 triệu năm nữa, Thái Bình Dương sẽ thu hẹp, nhường chỗ cho sự hình thành của Amasia.

Siêu lục địa mới được đặt tên là Amasia vì một số người tin rằng Thái Bình Dương sẽ đóng lại (trái ngược với Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương) khi châu Mỹ va chạm với châu Á.

Châu Úc cũng sẽ đóng một vai trò trong sự kiện quan trọng này: châu Úc va chạm với châu Á và sau đó kết nối châu Mỹ và châu Á khi Thái Bình Dương đóng lại.

Các chuyên gia tin rằng siêu lục địa mới sẽ hình thành trên đỉnh Trái đất và cuối cùng sẽ nghiêng về phía nam phía xích đạo. Nếu điều này xảy ra thì Nam Cực có thể vẫn bị cô lập ở dưới cùng của thế giới.

Nhóm nghiên cứu giải thích: châu Úc đang trôi về châu Á với tốc độ khoảng 7cm/năm, trong khi Âu - Á và châu Mỹ đang di chuyển với tốc độ chậm hơn về phía Thái Bình Dương.

Họ dự đoán với sự hình thành của siêu lục địa mới, hành tinh của chúng ta có thể sẽ khác rất nhiều so với hiện tại.

"Hiện tại, Trái đất bao gồm 7 lục địa với các hệ sinh thái và nền văn hóa loài người khác nhau. Vì vậy sẽ rất thú vị khi nghĩ thế giới sẽ trông như thế nào trong khoảng thời gian 200 triệu đến 300 triệu năm nữa", nhóm nói.

Nguồn: National Science Review