Thăm miền Tây xứ Nghệ - nàng công chúa ngủ quên ​

Mấy năm gần đây, dân phượt mọi miền đã biết đến một vùng đất với nhiều địa chỉ hấp dẫn - miền Tây Nghệ An. Những đèo dốc quanh co, hiểm trở, thác dựng, rừng nguyên sinh với rất nhiều bí ẩn mời mọc phượt thủ đam mê mạo hiểm và mới lạ. So với tiềm năng, du lịch ở đây vẫn như nàng công chúa ngủ trong rừng.

Thăm miền Tây xứ Nghệ - nàng công chúa ngủ quên ​

Đập Phà Lài trên sông Giăng (Nghệ An). Ảnh: PV

Hùng vĩ, hiểm trở

Nằm trên dãy Trường Sơn hiểm trở, đỉnh Phu Xai Lai Leng thuộc địa phận xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (miền Tây tỉnh Nghệ An) có độ cao 2.711m so với mực nước biển. Đây cũng là đỉnh núi cao nhất dãy Trường Sơn. Trong tiếng Thái, Phu Xai Lai Leng có nghĩa là “lang thang đi đâu cũng thấy”, nghĩa là cao nhất. Đường lên đỉnh núi dốc, quanh co, một bên là vực sâu không nhìn thấy đáy. Một đồng nghiệp của chúng tôi, có dịp nhờ được tay xe ôm bản lĩnh nhất vùng chở lên một quãng, về phát biểu cảm tưởng: “Có cho vàng, cũng không dám đi lại lần thứ hai”.
 
Toàn bộ vùng miền Tây Nghệ An bao gồm 11 huyện, thị là Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hoà, có diện tích gần 1,4 triệu hécta. Đây là vùng có Vườn quốc gia Pù Mát (diện tích hơn 91.000ha) và hai khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia là Pù Hoạt (diện tích 43.000ha), Pù Huống (diện tích 40.000ha), đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9.2007.
 
Dĩ nhiên, những cung đường phượt miền Tây xứ Nghệ không dành cho những người yếu tim. Dân phượt vẫn rỉ tai nhau về những đền bù quá xứng đáng sau những chặng đường vất vả, là được chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên kỳ thú, mây trắng bồng bềnh trên những con đèo, là những rừng hoa đào, hoa mơ nở trắng cung đường biên viễn, là những hồ, thác nước mê hồn như thác Sao Va (Quế Phong), khe Nước Mọc (Con Cuông)…, là cây sa mu dầu lớn nhất Việt Nam (cao khoảng 70m, đường kính thân hơn 5,5m) ở thượng nguồn Khe Bu thuộc Vườn quốc gia Pù Mát, xã Châu Khê, huyện Con Cuông…
 
Những sắc màu văn hóa
 
Dân phượt thường chọn đi miền Tây Nghệ An vào mùa hè và mùa xuân. Mùa hè thời tiết khô ráo, đi được những đường khó, chụp ảnh đã đời. “Nhưng đi vào mùa xuân là thích nhất, bởi chúng tôi được tắm mình trong dòng sông văn hóa của người dân nơi đây” - anh Lê Nam - dân phượt Hà Tĩnh - bật mí. Đây là vùng đất có sự hiện diện của nhiều dân tộc thiểu số: Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu, Đan Lai, Thổ… lưu giữ nhiều nét bản sắc văn hóa độc đáo, thể hiện ở hệ thống di tích - lễ hội, các làng nghề, nền văn hóa ẩm thực, phục trang, các kỹ nghệ, bí quyết, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, võ thuật… vô cùng phong phú và độc đáo.
 
Nghệ An có khoảng 30 lễ hội truyền thống, trong đó phần lớn là của các dân tộc ít người. Mỗi miền có một lễ hội riêng: Lễ hội Mường Ham (Quỳ Hợp); Lễ hội Xăng Khan - Hang Bua (Quỳ Châu); Lễ hội đền Chín Gian (Quế Phong), Lễ hội đền Vạn Cửa Rào (Tương Dương); Lễ hội Pu Nhạ Thầu (Kỳ Sơn)… Người Ơ Đu có lễ đón tiếng sấm đầu năm, người Mông ở Kỳ Sơn có hội chọi bò… Đến với lễ hội của đồng bào, cư dân phượt có dịp đắm mình trong không khí văn hóa truyền thống với màu sắc đa dạng, hấp dẫn.
 
Không chỉ lễ hội, vào ngày thường, nếu du khách đến khu du lịch cộng đồng tại Vườn quốc gia Pù Mát với hình thức homestay cũng được thưởng thức các làn điệu dân ca Thái, cùng bà con đi tát nước, cấy lúa, dệt cửi, thưởng thức các món ăn đặc trưng của người Thái như cơm lam, cá nướng, canh măng rừng… do các nghệ nhân ẩm thực chế biến. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay, dân phượt đến với miền Tây xứ Nghệ chưa nhiều, có thể do vùng này được phát hiện muộn hơn, hoặc do hạn chế về khâu tuyên truyền quảng bá. “Tài nguyên phượt” ở đây như nàng công chúa còn ngủ yên, chờ đợi thức giấc, và khoe sắc.