Người đàn ông bị lừa hơn 17 triệu đồng
Vào tháng 4 năm 2020, ông Tống sống ở quận Tần An, thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, bỗng nhận được tin nhắn mời tham gia bảo hiểm trễ chuyến bay sau khi đặt mua vé máy bay trực tuyến. Đối phương cho biết nếu chuyến bay bị hoãn do thời tiết xấu thì ông Tống có thể được hoàn tiền lên đến 300%.
Thấy khoản bồi thường vô cùng lớn, ông Tống đã quyết định mua loại bảo hiểm này. Đối phương cho biết vì là lần đầu tiên mua bảo hiểm nên ông Tống cần phải cọc một khoản tiền để đảm bảo. Người đàn ông này nghe vậy thì chuyển hơn 5.000 NDT (hơn 17 triệu đồng) vào tài khoản ngân hàng do bên kia cung cấp. Ngay khi tiền vừa được chuyển đi, đối phương cũng mất tích không dấu vết. Lúc này, ông Tống mới biết mình mắc bẫy lừa đảo nên vội gọi điện trình báo vụ việc cho cảnh sát.
Ảnh minh họa: Sina
Hoắc Dũng, Đội trưởng Đội chống lừa đảo trực tuyến thuộc Đội điều tra hình sự Chi nhánh Tần Châu, Cục Công an thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc, sau khi tiếp nhận vụ án đã cho biết đây là một vụ lừa đảo mạng viễn thông điển hình. Đặc biệt, khi điều tra tài khoản mà ông Tống chuyển tiền tới, cảnh sát phát hiện ra rằng đây không phải tài khoản cá nhân mà là tài khoản của một công ty thương mại ở Cam Túc. Dựa trên manh mối này, cảnh sát lập tức điều tra công ty trên và phát hiện thêm nhiều điều khó tin.
Theo đó, người đại diện pháp luật của công ty trên là một thanh niên họ Triệu, chỉ mới 19 tuổi. Không những thế, nguồn thu nhập "khủng" của chàng trai này càng khiến cảnh sát nảy sinh nghi ngờ.
Trương Bân, một cảnh sát thuộc Đội điều tra hình sự cho biết trong quá trình điều tra, họ còn phát hiện thanh niên họ Triệu này sở hữu 5 công ty lớn khác. Khi tiến hành truy xuất bản sao kê tài khoản ngân hàng của các công ty này trong 1 năm, họ còn phát hiện ra các giao dịch lớn diễn ra đều đặn mỗi ngày với số tiền lên tới hàng chục triệu NDT.
Khi tìm hiểu về gia đình của đối tượng này, cảnh sát biết được gia cảnh của cậu ta chỉ ở mức trung bình. Có nguồn tin còn cho biết thanh niên họ Triệu vốn “vô công rồi nghề” và thất nghiệp đã lâu. Đến khi tiến hành xác minh những công ty mà Triệu đứng tên, họ nhận ra chúng chỉ là những công ty ma, không hề tồn tại.
Ai mới là kẻ cầm đầu?
Để điều tra rõ vụ việc, đối tượng họ Triệu bị cảnh sát bắt giữ. Qua thẩm tra, chàng trai này thú nhận rằng bản thân không biết gì về hành vi lừa đảo bảo hiểm trễ chuyến bay cũng như các hoạt động phi pháp đằng sau các công ty ma mà cảnh sát đề cập đến.
Hóa ra, mọi chuyện bắt nguồn từ một quảng cáo việc làm bán thời gian mà người này nhìn thấy ở trên mạng. Công việc này lương cao, không yêu cầu chuyên môn hay kỹ năng gì nên thanh niên 19 tuổi này Triệu đã mạnh dạn xin ứng tuyển.
Nhân viên công ty trên yêu cầu Triệu mang theo căn cước công dân đến phỏng vấn rồi dẫn anh ta đến ngân hàng và Cục Công thương để làm một số giấy tờ. Sau khi hoàn tất các thủ tục, thanh niên này nhận được một khoản tiền hoa hồng tương ứng. Cứ thế, đối tượng họ Triệu đã giúp công ty trên đứng tên 5 công ty ma khác và “quản lý” hàng loạt tài khoản ngân hàng. Về những tài khoản ngân hàng này, Triệu được công ty cho biết chúng sẽ được sử dụng để rửa tiền.
Ảnh minh họa: Sina
Dựa theo những thông tin mà Triệu cung cấp, cảnh sát chuyển hướng điều tra công ty nói trên rồi phát hiện đây thực chất là một băng nhóm tội phạm ẩn danh do 2 đối tượng họ Trần và họ Lan cùng một số người khác cầm đầu.
“Giai đoạn đầu, dựa trên điều tra và phán đoán, chúng tôi đã nắm được cơ cấu tổ chức của băng nhóm tội phạm này”, Vương Phú Dân - Phó đội trưởng Đội điều tra hình sự Chi nhánh Tần Châu, Cục Công an thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc cho biết.
Sau đó, đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố Thiên Thủy đã thành lập 5 nhóm đặc nhiệm và đến 17 thành phố thuộc 5 tỉnh, trong đó có Tứ Xuyên, Hồ Nam, Quảng Đông, để truy quét toàn bộ đường dây phạm pháp này.
Ảnh minh họa: Sina
Tính đến ngày 23/6/2020, tổng cộng 25 nghi phạm trong đường dây lừa đảo trực tuyến trên đã bị cảnh sát bắt giữ. Cũng theo thông tin từ phía cảnh sát, chỉ riêng ở quận Tần Châu đã có 9 thanh niên như đối tượng họ Triệu vô tình rơi vào bẫy và trở thành “đồng phạm” lừa đảo viễn thông với số tiền thu nhập “bán thời gian” vài trăm NDT.
Qua quá trình thẩm tra, các nghi phạm cũng đã thú nhận hành vi phạm tội của mình. Đồng thời tiết lộ cách thức hoạt động siêu tinh vi của băng nhóm. Theo đó, đường dây lừa đảo này thường đăng tuyển nhân viên bán thời gian và sử dụng danh tính của họ để đăng ký công ty, mở tài khoản, bán lại tài khoản cho các băng nhóm tội phạm lừa đảo hoặc rửa tiền ở trong nước và nước ngoài.
Cuối cùng, hành vi vi phạm pháp luật của chúng cũng có ngày bị cảnh sát vạch trần. Những nghi phạm liên quan trong vụ việc cũng bị đưa ra trước vành móng ngựa và bị pháp luật trừng trị.
Theo Sina