Thí sinh viết thư "kêu cứu" vì rớt ngành Sư phạm dù điểm thi cao hơn điểm chuẩn

Đoàn Văn Tú đạt 21,5 điểm tổ hợp xét tuyển N01, nhưng trượt ngành Sư phạm Âm nhạc (Đại học Sài Gòn) dù điểm chuẩn trường công bố là 18.

Viết thư đến VnExpress, Đoàn Văn Tú (23 tuổi, quê Quảng Nam) chia sẻ, trong kỳ thi vừa qua, Tú đạt 21,5 tổ hợp N01 (Văn 5,5; môn năng khiếu khiếu hát - xướng âm 8; thẩm âm - tiết tấu 8 điểm). Điểm chuẩn ngành này được Đại học Sài Gòn công bố ba hôm trước là 18.

Không thấy con trúng tuyển, gia đình gọi điện thoại hỏi Phòng Đào tạo Đại học Sài Gòn, Tú cũng đến hỏi trực tiếp thì nhận được thông tin "lỗi kỹ thuật". Trưa hôm sau, chuyên viên Phòng Đào tạo gửi email giải thích Tú thiếu điều kiện điểm Văn theo ngưỡng đảm bảo chất lượng ngành sư phạm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo công thức: Văn + 1/3 điểm ưu tiên = 6

Hôm 21/7, trường công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào bằng tổng điểm ba môn thi không nhân hệ số môn chính, cùng với điểm ưu tiên khu vực và điểm ưu tiên đối tượng, ngành Sư phạm Âm nhạc lấy sàn 18 điểm. "Trường không hề đính kèm theo điều kiện điểm Văn cộng một phần ba điểm ưu tiên từ 6 trở lên. Công thức này chưa từng được công bố, không có trong quy định của Bộ, vậy nó ở đâu ra? Tôi không biết sớm để chuẩn bị tâm lý và rút nguyện vọng", Tú nói.

Tương tự, Nguyễn Hoàng Ngọc Hân (ngụ quận 3, TP HCM) là thí sinh tự do dự thi ngành Sư phạm Mầm non của Đại học Sài Gòn. Kết quả môn Văn (thi THPT quốc gia) đạt 3,25 điểm; Kể chuyện - đọc diễn cảm 10 điểm; Hát nhạc 9,5 điểm; tổng điểm của tổ hợp này 22,75. Điểm chuẩn của Đại học Sài Gòn ngành Sư phạm Mầm non là 22,25, song Hân rớt bởi điểm môn Văn dưới 6.

"Sau khi xem điểm chuẩn, gia đình tôi cứ nghĩ cháu đậu đại học nên rất vui. Nhưng khi đi làm thủ tục nhập học mới biết không đậu, con gái tôi quá sốc vì chỉ đăng ký nguyện vọng duy nhất vào ngành này, bây giờ không biết phải làm sao", ông Nguyễn Hoàng Tuấn (cha của Hân) nói. 

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: Giang Huy

Đại diện Đại học Sài Gòn cho biết trường áp dụng theo đúng quy chế tuyển sinh đại học đối với các ngành sư phạm. Điểm sàn hệ đại học với các ngành sư phạm là 18 (đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực) thì điểm sàn môn văn hóa để xét tuyển phải từ 6 trở lên (đã bao gồm một phần ba điểm ưu tiên).

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết hai trường hợp trên thí sinh không đủ điểm sàn theo quy chế tuyển sinh đại học đối với các ngành sư phạm. Theo khoản 3, điều 2 của quy chế, với ngành đào tạo giáo viên, nhóm lĩnh vực sức khỏe, dù trường sử dụng phương thức xét tuyển nào thì điểm chuẩn phải ít nhất tương đương với điểm sàn.

Tức là điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng điểm thi THPT quốc gia của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng theo điểm sàn do Bộ quy định. Năm nay, điểm sàn hệ đại học đối với các ngành sư phạm là 18 (gồm điểm ưu tiên khu vực) thì sàn một môn văn hóa để xét tuyển vào các ngành sư phạm, trình độ đại học là 6. "Cách tính của Đại học Sài Gòn đưa ra không sai", bà Phụng nói.

Cũng theo bà Phụng, quyết định 2084 ban hành 20/7/2019 xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2019 cũng nhắc đến việc các trường sử dụng quy chế để xác định điểm sàn. Trường sử dụng hai môn thi THPT quốc gia thì điểm sàn bằng điểm sàn 3 môn Bộ công bố (18 điểm) chia 3 rồi nhân 2 (tức 12 điểm). Tương tự, nếu sử dụng một môn thì điểm sàn là 6 điểm.

"Thí sinh được 3,25 hay 5,5 điểm môn Văn thì chưa đạt sàn môn văn hóa theo quy định trên", bà Phụng nói và cho rằng việc công bố thông tin của trường không được rõ, nhưng thí sinh phải nghiên cứu, nắm được quy chế tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

"Chúng tôi thấy rất tiếc và chia sẻ với thí sinh khi mức điểm các môn năng khiếu khá cao. Tuy nhiên đã là quy chế tuyển sinh quy định chung thì tất cả phải tuân thủ", bà Phụng nói và khuyên thí sinh nên xem thông tin từ các trường đang thông báo xét tuyển bổ sung để đăng ký các ngành phù hợp với trình độ.

Theo VnExpress.net