Thói quen than phiền không chỉ mang đến sự tiêu cực cho bạn mà còn khiến người xung quanh cảm thấy nản chí và muốn xa lánh bạn.
“Não bộ của chúng ta có xu hướng tập trung vào những điều tiêu cực. Do vậy, chúng ta có xu hướng tập trung vào những điều sai thay vì chú ý đến tất cả những điều đúng.”, Tiến sĩ Emma Seppälä (Đại học Stanford) khẳng định.
Trên thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy những điều tích cực nhiều hơn gấp 3 lần những điều tiêu cực xảy ra với chúng ta mỗi ngày, nhưng chỉ cần một email gây khó chịu sẽ làm hỏng cả một ngày. Có nhiều phương pháp lành mạnh để giải quyết vấn đề mà không rơi vào trạng thái tiêu cực thường xuyên. Đó là một kế hoạch gồm 5 bước.
Đôi khi, phàn nàn trở thành một thói quen đến nỗi chúng ta không biết rằng mình đang làm điều đó. Vì vậy, bạn phải nhận thức được lời nói hoặc hành vi của mình, ví dụ như quan sát phản ứng của người đối diện xem họ có thể hiện sự không hài lòng hoặc khó chịu trên khuôn mặt hoặc qua các cử chỉ hay không.
Trong một thí nghiệm tâm lý, các nhà khoa học cho đối tượng sử dụng một chiếc vòng tay cao su đơn giản để họ di chuyển từ cổ tay này sang cổ tay kia khi họ tự nhận thức được mình đang phàn nàn. Liên kết một hành động thực tế vào quy trình sẽ giúp họ nhận ra tần suất họ đang mắc phải thói quen xấu đó và họ muốn thay đổi.
Nhà tâm lý học Susan David cho biết, khi bạn nhận ra thời điểm và mức độ phàn nàn, hãy tạo cho mình không gian riêng để bạn có thể phân tích các nguyên nhân và cảm xúc của mình, chẳng hạn như tự mô tả những cảm giác ngay khi bạn đang than phiền.
2. Chú trọng vào chi tiết
Khi bạn có những phản ứng tiêu cực, hãy cân nhắc lại cảm xúc để bạn có thể biết điều gì đang thực sự khiến bạn khó chịu. Ví dụ, nếu bạn phàn nàn về mức độ khó chịu của một người làm quản lý thì việc nói cụ thể có thể giúp bạn nhận ra rằng, có những người vô tổ chức, điều này đang ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành công việc tốt nhất của bạn.
Mặc dù rất khó tạo ra một kế hoạch hành động để đối phó với một người "khó chịu", nhưng bạn có thể đưa ra các chiến lược để đối phó với một người vô tổ chức.
3. Hành động
Khi bạn đã xác định được nguyên nhân, hãy bước vào giải quyết. Thay đổi thói quen phàn nàn không chỉ đơn giản là suy nghĩ tích cực hoặc tạo động lực.
Hầu hết những người phàn nàn làm điều này như sử dụng "thảm chùi chân". Nói cách khác, họ đi làm và mang sự phàn nàn về gia đình, tức phàn nàn về công việc với gia đình sau mỗi lần đi làm về. Họ không bao giờ nói chuyện với người thực sự có thể cải thiện được điều họ cần.
Hãy xác định kết quả bạn mong muốn hoặc cách cải thiện tình hình, sau đó bắt đầu với những người có thể gỡ rối những nguyên nhân của bạn. Tất nhiên, không phải lúc nào đây cũng là một giải pháp hoàn hảo, nhưng bạn cần cải thiện tình hình nhiều hơn là chỉ trút giận hoặc ủ rũ về nó.
4. Xây dựng thói quen mới
Bất cứ khi nào bạn cố gắng phá vỡ một thói quen thì bạn nên tạo ra một môi trường hỗ trợ. Hãy thiết lập không gian, nơi bạn không được thể hiện những cảm xúc tiêu cực dẫn đến hành vi và lời nói tiêu cực.
Tiến sĩ Seppälä khuyên bạn nên lưu ý đến tần suất bạn sử dụng từ “nhưng” trong ngôn ngữ của mình, nó là một thành phần cấu tạo nên những lời ca than hoặc cuộc đối thoại tiêu cực. Hãy sử dụng ngôn ngữ của bạn một cách cẩn thận để nói rõ ý muốn của bạn, đồng thời tìm giải pháp cho những gì đang phiền hà tâm trí bạn.
Nhiếp ảnh gia kiêm người mẫu Michael Freeby chủ động tránh phàn nàn tới mức anh đã giữ 2 cuốn nhật ký, một cho những trải nghiệm và suy nghĩ tích cực và một cho những trải nghiệm và suy nghĩ tiêu cực. Trong suốt ngày làm việc, anh dặn các cộng sự ở tạp chí nhắc nhở giúp về việc ghi chép những trải nghiệm. Do đó, ngôn từ của anh thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
5. Thiền định
Seppälä giải thích, thiền định tác động đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống và phàn nàn cũng không ngoại lệ. Bà nói: “Nghiên cứu cho thấy việc tiếp tục thực hành thiền định có thể giúp bạn điều chỉnh cảm xúc của mình. Do đó, bạn nhận thức rõ hơn về những gì bạn nói và cách mọi người phản hồi".
Nếu bạn đã bỏ thói quen phàn nàn, đó thực sự là một dấu hiệu tốt. Bạn vẫn quan tâm đến tình hình và muốn cải thiện nó. Hãy kết nối những cảm xúc tích cực để làm cho mọi thứ tốt hơn thay vì chỉ suy ngẫm về những sai lầm.
Theo Success