Các khu vực của bãi rác Ghazipur ở New Delhi đã bốc cháy ngày 21/4 vừa qua, làm nhiệt độ tăng, tạo ra khí thải metan và gia tăng những thách thức về khí hậu của Ấn Độ. Theo truyền thông địa phương, tính đến ngày 23/4, phần lớn đám cháy tại bãi rác lớn nhất thủ đô New Delhi đã được dập tắt, nhưng người dân sống gần đó cho biết họ gặp các vấn đề về đường hô hấp và mắt do không khí ô nhiễm kéo dài.
Nguyên nhân vụ cháy vẫn chưa được làm rõ nhưng các vụ cháy bãi rác thường xảy ra do khí dễ cháy từ quá trình phân huỷ rác.
Khói bốc lên sau một đám cháy bùng phát tại bãi rác Ghazipur ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: CNN
Hàng năm, khi nồng độ thuỷ ngân tăng cao vào mùa hè như thiêu đốt của New Delhi, các bãi rác chôn lấp của thành phố bốc cháy càng làm tăng thêm lượng khí thải methane và khiến khí hậu Ấn Độ nóng lên.
Metan là khí nhà kính phổ biến thứ hai sau CO2 nhưng là tác nhân mạnh mẽ hơn đối với cuộc khủng hoảng khí hậu bởi lượng nhiệt toả ra nhiều hơn. Theo theo dõi lượng khí thải qua vệ tinh của GHGSat, khí metan thải ra từ các bãi rác ở Ấn Độ nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác.
Báo cáo năm 2023 của Trung tâm Khoa học và Môi trường, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận ở New Delhi, cho biết núi rác ở Ghazipur chỉ là một trong khoảng 3.000 bãi rác của Ấn Độ chứa đầy chất thải đang phân huỷ và khí độc hại. Với chiều cao 65 mét, núi rác này cao gần bằng Taj Mahal và che khuất những ngôi nhà xung quanh cũng như gây hại cho sức khoẻ của cư dân.
Theo Tổ chức Phi lợi nhuận Global Clean Air Initiave, tiếp xúc với khí metan có thể làm trầm trọng thêm các bệnh về phổi, gây hen suyễn và tăng nguy cơ đột quỵ.
Bãi rác cháy âm ỉ tại thủ đô Ấn Độ (Ảnh: Getty)
Khí thải metan không phải là mối nguy duy nhất xuất phát từ các bãi tác. Trong nhiều thập kỷ qua, chất độc đã ngấm vào lòng đất, gây ô nhiễm nguồn nước cho hàng nghìn người dân sống gần đó.
Tại Bhalswa, một trong những bãi rác lớn khác của Delhi, vào năm 2022 người dân đã phải đối mặt với các bệnh về da cũng như các vấn đề về hô hấp từ nhiều năm sống gần khu vực nguy hiểm này.
Theo báo cáo của giới chức địa phương vào tháng 7/2022, hơn 2.300 tấn chất thải rắn được đưa đến bãi rác Ghazipur mỗi ngày.
Chính quyền thành phố New Delhi đã triển khai máy bay không người lái ba tháng một lần để theo dõi kích thước của núi tác và đang thử nghiệm các biện pháp nhằm thu giữ khí metan từ các bãi rác này.
Tuy vậy, các nhà chức trách đang phải vật lộn để ứng phó kịp với dòng rác thải tại đây, vốn đã vượt qua sức chứa vào năm 2022.
Chính quyền cho biết quá trình khai thác sinh học để thu giữ khí metan đã diễn ra chậm và “rất khó để đạt được mục tiêu làm phẳng núi rác” trong năm nay.
Các giải pháp cho vấn đề chất thải đã được vạch ra trong báo cáo của Chính phủ Ấn Độ năm 2019, trong đó khuyến nghị chính thức hoá lĩnh vực tái chế và lắp đặt thêm các nhà máy phân hữu cơ. Tuy vậy, trong khi một số cải tiến đã được thực hiện trong nước như dịch vụ thu gom rác tại nhà tốt hơn và xử lý chất thải, các bãi tác tại Ấn Độ tiếp tục đầy lên.
Trẻ em tại bãi rác Ghazipur (Ảnh: Getty)
Là một phần trong sáng kiến “Ấn Độ sạch”, Thủ tướng Narenda Modi cho biết những nỗ lực đang được thực hiện để loại bỏ các núi rác và chuyển đổi chúng thành khu vực xanh. Nếu đạt được mục tiêu này có thể giảm bớt những gì mà người dân sống gần những bãi rác khổng lồ phải chịu đựng, đồng thời giúp thế giới giảm lượng khí thải nhà kính.
Tuy vậy, trong khi Ấn Độ muốn giảm lượng khí thải metan, nước này đã không tham gia ký kết Cam kết khí metan toàn cầu cùng với 155 quốc gia khác. Đây là Hiệp ước chung nhằm cắt giảm lượng khí thải toàn cầu ít nhất 30% so với mức của năm 2020 vào năm 2030. Các nhà khoa học ước tính việc giảm khí methane này có thể giảm mức nhiệt toàn cầu 0,2% - và giúp thế giới đạt được mục tiêu giữ cho sự nóng lên toàn cầu dưới 1,5 độ C.
Ấn Độ cũng cho biết nước này sẽ không tham gia Hiệp ước bởi hầu hết lượng khí thải metan đến từ nông nghiệp với khoảng 74% từ trang trại động vật và ruộng đồng so với ít hơn 15% từ bãi rác.