Thế là tôi gửi email xin thực tập ở một loạt công ty, tập đoàn nước ngoài. May mắn thay, tôi được nhận vào thực tập 3 tháng ở công ty Canon Marketing Việt Nam – một công ty của Nhật Bản tại Việt Nam.
Không phải bưng bê hay photo tài liệu, thực tập sinh ở Canon được khuyến khích lên tiếng trong các cuộc họp và trở thành một phần quan trọng của đội nhóm. Bỏ qua nội dung công việc sang một bên, cái đọng lại trong tôi sau kỳ thực tập là những nét văn hóa nội bộ công ty…rất khác biệt so với những gì tôi đã tưởng tượng, và so với…hội bạn của tôi – những người cũng vừa thực tập xong ở những công ty khác.
1. Ngày thứ 2 “đỏ”
Tại Canon, có 1 ngày truyền thống mà tôi thấy nhân viên nào cũng khá thích thú. Đó là ngày thứ 2 hàng tuần. Đối với đại đa số những người “đi làm kiếm cơm” thì ngày thứ 2 đầu tuần thật ngán ngẩm và tẻ nhạt. Chắc bởi vậy, nên “những người Nhật ở Canon” đã nghĩ ra sáng kiến: khuyến khích nhân viên mặc bất cứ thứ gì màu đỏ mà họ thích vào ngày này để khiến tâm trạng của mỗi người vui vẻ lên.
Thú thực trước đây tôi ít khi mặc màu đỏ. Nhưng “bắt chước” các anh chị, tôi cũng thử diện một chân váy xòe màu đỏ nhạt. Cảm giác đầu tiên là thấy mình vui và “xinh” lên hẳn. Cả công ty một màu đỏ chủ đạo, khiến thứ 2 ảm đạm thành rực rỡ.
2.“Hello section”
Cùng với việc mặc đồ đỏ, thứ 2 hàng tuần ở Canon bắt đầu bằng “tiết mục” Hello. Như thường lệ, mỗi tuần một bộ phận sẽ cùng nhau đi “diễu hành” và chào hỏi “Hello” các bộ phận khác trong công ty. Nghe thì chẳng có gì, nhưng khi được là một thành viên trong tiểu đoàn “chào hỏi” ấy, tôi nhận thấy rõ tác dụng của ý tưởng này. Khi cả một nhóm đồng nghiệp diện đồ đỏ, ùa tới bàn làm việc của bạn và tươi cười chào “Hello”, liệu bạn có còn thấy ngày thứ 2 đáng ghét nữa không?
Còn với tôi, một “lính mới chân ướt chân ráo”, tôi đã được làm quen và chào hỏi với tất cả anh chị trong công ty chỉ trong một buổi sáng, cực nhanh chóng và thân thiện!
3. “Ngày thứ 4 hạnh phúc”
Ở công ty này, mọi người gọi ngày thứ 4 hàng tuần là “Happy Day”. Phòng nhân sự bảo: theo nghiên cứu của người Nhật, khoảng thời gian giữa tuần là lúc mà tinh thần làm việc thường thấp nhất trong 5 ngày làm việc, nhiều nhân viên sẽ cảm thấy “ngày hôm nay sao dài thế”. Nên, ngày Happy Day ra đời.
Cứ đúng 3 giờ chiều thứ 4 mỗi tuần, hoa quả, bánh kẹo và trà nước được bày biện đẹp đẽ ở bàn sinh hoạt chung. Khi tiếng nhạc vang lên, anh chị em cùng rủ nhau rời máy tính, nghỉ giải lao giữa buổi, vừa ăn nhẹ vừa tán gẫu.
Góc Happy Day ấm cúng thứ 4 hàng tuần
Đứa thực tập sinh như tôi ngồi “hóng” chuyện mấy anh chị: giây phút thư giãn này mọi người hỏi han nhau về chuyện con cái, nhà cửa, du lịch, mấy câu chuyện thời cuộc Covid, vài ba mẩu chuyện cười, trêu chọc nhau…Bất giác tôi nhận thấy môi trường làm việc nước ngoài bên cạnh sự chuyên nghiệp thì con người vẫn có những khoảng thời gian gần gũi dành cho nhau. Khoảng thời gian này lại do chính công ty chủ động tạo ra. Hay thật!
4. Lớp học Yoga công sở
Vì là người mới nên những ngày đầu tôi luôn nán lại tan làm trễ một chút…để ra vẻ chăm chỉ & nhiệt huyết.
Ấy thế mà cứ 5h30 chiều, tôi thấy nhiều người đứng ngay dậy…đi thay quần áo, rồi rủ nhau vào phòng Training (phòng này ở Canon gần giống phòng đa năng). Trong số những người đứng ngay dậy ấy, có cả…bác Tổng giám đốc.
Tổng giám đốc Canon Marketing Việt Nam– ông Takeda Satoru cùng các nhân viên học Yoga sau giờ làm việc
Sau này, khi đã là một thành viên của “hội 5h30” ấy, tôi mới biết lớp học Yoga sau giờ làm này do chính Canon tổ chức, mời thầy/cô chuyên nghiệp về dạy miễn phí (thầy cô có chứng chỉ và huy chương hẳn hoi).
Giờ sau khi “tốt nghiệp” thực tập sinh, tôi trở nên yêu thích, rồi càng khâm phục con người và những giá trị Nhật Bản. Dù kinh doanh và phát triển công ty tại Việt Nam nhưng việc lấy con người làm vốn tài sản quý nhất vẫn luôn được một công ty Nhật như Canon chú trọng và ưu tiên.
Tôi cũng càng thấm thía thêm lời khuyên của thầy tôi khi dặn dò nên thử sức ở một công ty nước ngoài. Những gì người ta học được từ lần “đi làm” đầu tiên sẽ định hướng rất tốt cho lựa chọn công việc và con đường sự nghiệp của bạn sau này.