Thương 3 đứa cháu nheo nhóc, chị gái âm thầm trả lại lễ đính hôn, dành cả thanh xuân nuôi gia đình em trai

Ở một xã vùng ven TP. Quảng Ngãi, nằm sâu trong những con đường ngoằn nghèo là ngôi nhà lụp xụp của bà Nguyễn Thị Huệ (61 tuổi) đang sống cùng em trai, em dâu và các cháu. Trên chiếc giường nhỏ, anh Nguyễn Minh (32 tuổi) đang rên xiết từng cơn bởi căn bệnh tim hành hạ.

Đau đớn là thế nhưng cuộc đời của anh vẫn còn có chút may, bởi sau lưng anh là hai người phụ nữ tần tảo sớm hôm, một là vợ, một là người chị thay mẹ nuôi anh từ những ngày còn bé.

Người phụ nữ trả lễ đính hôn, ở vậy nuôi gia đình.

Gạt dòng nước mắt, Bà Huệ thổn thức thức khi nhớ về quá khứ cách đây đã ngót hơn 30 năm. Lúc ấy, mẹ bà mất ngay khi vừa sinh đứa em trai và chỉ còn chưa đầy 3 tháng là đến ngày bà về nhà chồng.

Thương em thiếu mẹ, thương cha nhọc nhằn, bà lặng lẽ sang nhà chồng sắp cưới trả lễ. “Lấy chồng rồi ai lo cho em, cho cha. Thời điểm đó, việc trả lễ cưới là một cái gì đó rất khủng khiếp nhưng vì em, vì cha nên tôi chấp nhận hết”, bà nói rồi lại khóc tức tưởi.

(Ảnh: Dân Trí)

Kể từ đó, bà Huệ và cha dồn hết tình yêu thương chăm sóc cho anh Minh. Dù vậy, đến 6 tuổi anh Minh mới biết nói, biết đi. Bà mừng lắm, mừng vì em có thể đi học. Nhưng rồi một lần nữa bất hạnh lại ập xuống. Anh Minh mắc bệnh tim, cuộc sống lại quá khó khăn nên phải nghỉ học. Cha bà cũng qua đời sau một cơn bạo bệnh.

Vậy là cuộc sống của bà Huệ bước vào giai đoạn đớn đau và bỉ cực. Thanh xuân của một người con gái, vứt hết cho gia đình, đôi vai gầy của người phụ nữ phải nhọc nhằn mưu sinh. Nhưng khó khăn thế nào bà cũng không bỏ rơi em trai, bởi đó là người thân duy nhất còn lại của bà trên cõi đời này.

(Ảnh: Dân Trí)

Tình chị- em, nói gần mà xa, nói xa mà gần. Đáng ra chỉ có mẹ cha lo cho con cái, chứ ít ai bắt chị phải ‘chịu nợ’ thay em, nhưng với bà Huệ, máu mủ tình thân thì không phận biết lớn bé, cấp bậc. Một người phụ nữ giàu tính hy sinh như vậy, thật hiếm ai mà có được.

Nghèo khó cỡ nào cũng đưa em đi chữa bệnh.

Vì căn bệnh hở van tim hai lá, biến chứng dẫn đến suy tim, áp xe gan khiến anh Minh không thể nằm bình thường. Anh Minh phải khum người nằm sấp trên giường cho đỡ đau. Bên cạnh anh là người vợ và 3 đứa con nheo nhóc.
Năm anh Minh 18 tuổi, bà tích góp, vay mượn tiền đưa em vào TP. Hồ Chí Minh phẫu thuật. Bệnh tình thuyên giảm, bà lại chạy vạy kiếm tiền cưới vợ cho em.

Vợ anh Minh cũng không được như bao người khác. Hàng ngày chị cùng gánh chè nhỏ lang thang khắp nơi kiếm thêm ít tiền nuôi chồng và 3 đứa con nhỏ. Khi đứa con út vừa tròn 3 tuổi, bệnh hở van tim 2 lá một lần nữa quật ngã anh Minh. Bà Huệ lại đưa em đi khắp nơi chạy chữa.

Bệnh án của anh Minh (Ảnh: Dân Trí)

Đầu năm 2019, anh Minh được chỉ định phẫu thuật để giữ mạng sống. Số tiền ca phẫu thuật lên đến 120 triệu đồng, nhờ có bảo hiểm hộ nghèo nên giảm được 70 triệu, 50 triệu còn lại gia đình phải lo. Bà Huệ ngã quỵ bởi trong nhà không còn gì đáng giá để có thể mang đi bán.

“Không có tiền nên đành để nó nằm ở nhà. Nó đau đớn bao nhiêu tôi đau bấy nhiêu. Mấy tháng nay nó phải nằm khum người như thế cho đỡ đau, dễ thở. Nuôi nó bao nhiêu năm giờ đành nhìn nó ra đi bỏ tôi, bỏ vợ con nó sao?”, bà Huệ chua xót.

Vậy là giờ đây, khi ở bên kia con dốc cuộc đời, bà Huệ vẫn òa khóc nức nở mỗi lần nhìn em đau đớn trên giường bệnh.

(Ảnh: Dân Trí)

Đúng là đời người, chẳng có gì khổ đau bằng việc vừa nghèo vừa bệnh, nhưng tận cùng của bi đát là chứng kiến cảnh người thân đau đớn từng ngày mà chẳng thể làm gì được. Vậy mà bà Huệ vẫn không buông xuôi niềm hy vọng, vẫn gắng gượng cùng em hết suốt cuộc đời.

Có ai đó đã từng nói rằng, chỉ cần lạc quan thì cuộc sống sẽ tươi đẹp – đó là câu nói mà chúng ta vẫn thường dùng để an ủi nhau vậy thôi, bởi một khi cái khổ đã ập đến, để vui cười mỗi ngày là đều rất khó.

Nhưng ít nhất, chúng ta vẫn được quyền nuôi hy vọng, vẫn có niềm tin trong cuộc đời này, như cách mà bà Huệ vẫn đang đương đầu với sóng gió, vẫn kiên trì không bỏ cuộc. Bởi khó khăn thì đời người ai cũng có, quan trọng là chúng ta có đủ bản lĩnh để vượt qua hay không.

(Ảnh: Dân Trí)

Chị chồng – em dâu đồng lòng, chung sức.

Người Việt mình thường có câu: ‘Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng’, nhưng không phải câu này luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Điển hình như câu chuyện của bà Huệ, không những thương em trai mà còn thương cả em dâu.

Giờ đây, anh Minh bệnh nặng, 3 đứa con nheo nhóc, mọi gánh nặng gia đình đều dồn lên vai 2 người phụ nữ. Thế nên, thay vì xỉa xói hay móc mỉa nhau, họ lại thương nhau hơn bao giờ hết. Cùng chăm lo cho một người đàn ông, họ càng xích lại gần nhau hơn.

Còn anh Minh, dù bản thân bệnh tật nhưng vẫn không hề buông xuôi, càng khó khăn thì sức sống càng mãnh liệt, anh mếu máo khẳng định: “Bây giờ mà chết thì ai lo cho mấy đứa nhỏ, ai lo cho chị Huệ lúc cuối đời. Chị nuôi mình bao nhiêu năm, giờ lại bỏ chị ấy, bỏ vợ con bơ vơ sao đành”.

(Ảnh: Dân Trí)

Cứ thế, bao nhiêu năm qua hai chị em nương tựa vào nhau. Dù không còn tiền, bà Huệ vẫn cố đưa em đi thăm khám định kỳ. Bà bảo, chỉ còn đủ tiền xe, ra bệnh viện bà sẽ đi xin cơm về cho em. Bà vẫn sẽ đi, dẫu trong túi chỉ còn vài trăm ngàn đồng.

Ở tuổi 61, vai bà vẫn là điểm tựa cho người em trai bệnh tật đi tiếp trên hành trình tìm kiếm sự sống. Dẫu rằng, con đường phía trước của 2 chị em vẫn mịt mù. Thế nhưng, bao sóng gió cuộc đời vẫn không quật ngã được người phụ nữ ấy.