Thương con nên bán nhà
Vợ chồng ông Thắng chỉ là giáo viên dạy cấp 2 ở thành phố Thanh Hóa (tên nhân vật đã thay đổi). Ông Thắng có hai người con trai học đại học ở Hà Nội, sau đó ở lại lập nghiệp chứ không về quê với cha mẹ. Ra trường, các con ông đều tự xin việc làm. Công việc ổn định nhưng thu nhập chỉ đủ để trang trải ở thành phố.
Gần chục năm trước, vợ chồng ông về hưu. Số tiền dành dụm được vài trăm triệu, ông bà bàn nhau giữ sau này cho các con. Thấy con cái ở thuê nhà vừa chật chội, vừa đắt đỏ nên con ông Thắng bàn với bố mẹ mua mảnh đất ở ngoại thành Hà Nội.
Lúc đó, đất Hà Nội đang sốt nên khá đắt. Ông bà đưa hết tiền cho con đi mua đất với mong sau này chúng có chỗ “chui ra chui vào”. So với đi thuê nhà, mảnh đất 40 mét mua được, dựng tạm căn nhà cấp 4 để ở vẫn còn tốt chán.
Khi con lớn lấy vợ rồi đến con thứ hai. Ông bà chẳng còn gì cho con. Chỉ có mảnh đất duy nhất ở ngoại thành Hà Nội cách trung tâm hơn chục km. Các con ông lại lấy lý do xa trung tâm nên chẳng ai muốn ở đó. Bán đi thì tiếc vì lỗ mất cả nửa lô đất.
Ông bà cứ giữ như muốn có chút tài sản để chia lại cho các con. Nhưng các cháu nội lần lượt ra đời, công việc của con cái bấp bênh, tiền thuê nhà cũng không đủ. Ông bà phải chia nhau ra Hà Nội bế cháu, hỗ trợ các con.
Ông Thắng bế một đứa ở tận Nhổn, bà chăm một cháu ở Hoàng Mai. Cùng ở Hà Nội, nhưng cả tháng trời ông bà mới đến thăm nhau được một lần. Cuộc sống thuê trọ bất tiện, thương các con, ông bà bàn nhau về quê bán nốt căn nhà hương hỏa, ra thủ đô ở với con cháu cho dễ bề chăm sóc cho chúng. Vì các con làm việc khác xa nhau chẳng ai muốn ở chung với bố mẹ.
Ông bà bán căn nhà ở quê được 1,4 tỷ đồng và mảnh đất ở ven đô, rồi chia cho hai con làm vốn mua căn chung cư trả góp. Hai đứa mua cho mình mỗi đứa một căn nhà, ông bà mừng lắm vì từ nay các con đã có chỗ chui ra chui vào.
Tuy nhiên, niềm vui chẳng kéo dài được bao lâu. Ông bà chứng kiến cảnh con cả, con thứ chia xem bố ở với ai, mẹ ở với ai. Mâu thuẫn của hai nàng dâu cũng chẳng kém cạnh gì mâu thuẫn nàng dâu mẹ chồng.
Vợ chồng ông Thắng lại lủi thủi để rơi vào hoàn cành “con đặt đâu cha mẹ ngồi đó”. Ông bà cuối cùng cũng đành sống cùng cậu con lớn, vì căn nhà 70 mét vuông có hai phòng ngủ lớn hơn chút so với nhà đứa em.
Nỗi buồn của người già
Ở cùng với con cái, ông Thắng lúc nào cũng thấy tù túng. Càn buốn hơn, từ sau ngày vợ ông mất đi, ông lại càng cô đơn hơn. Điều mà ông ân hận nhất đó là 4 năm trước, vợ ông không may bị ung thư phổi và khi chết cũng không được chết ở nhà.
Những ngày cuối đời của vợ ông ở thành phố thật cực. Dù đi viện gần nhưng hầu như chẳng có ai họ hàng đến chơi, hoặc thăm nom vì quá xa quê. Lúc nào bà cũng nằm quay mặt vào tường, nói chỉ muốn về quê. Trong khi họ hàng ở quê dù muốn lên chơi, nhưng lại sợ bất tiện với các cháu nên họ cũng chỉ… thăm qua điện thoại.
Những ngày cuối đời của vợ ông Thắng, bà phải vào bệnh viện “ở”. Dù rất muốn về nhà để yên tĩnh nhưng lại sợ chết rồi con cái đưa đi đâu được, ảnh hưởng đến nhà các con. Lúc ấy, vợ ông tâm sự giá chỉ cho con 1 phần, 1 phần tài sản giữ lại mua mảnh đất nhỏ ở quê rồi về quê ở với bà con, làng xóm thì đâu nên nỗi.
Nhớ lại ngày tháng đó, ông Thắng lại rưng rưng: “Nếu ở quê biết đâu vợ tôi không chết trong cô độc”. Giờ chỉ còn một mình, sống cùng con trai nhưng ông Thắng lúc nào cũng thấy buồn, lủi thủi. Các cháu đi học trường xịn chẳng cần ông chơi vì giờ cuộc sống của bố mẹ chúng cũng đã khá hơn. Các con ông đi làm bận bịu cũng chẳng có thời gian ngồi trò chuyện cùng với bố.
Tối đến, ông xuống sảnh chung cư ngồi ngắm trời ngắm đất, rồi lại nghĩ tới cảnh mai này ông cũng giống vợ, muốn những ngày cuối đời bên gia đình người thân nơi mảnh đất hương hỏa tổ tiên sao cũng… thật khó. Ông lại tự thấy ân hận vì đã bán tất cả nhà đất ở quê để ra phố với các con.
Chia sẻ nỗi niềm này, Đại đức Thích Trí Thịnh – Phó ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình (Trụ trì Chùa Kim Sơn – Lạc Hồng) cho biết: Thực tế nhiều người về già muốn ở gần con cái, con cái cũng muốn bố mẹ ra phố cho tiện chăm sóc nhưng không ít câu chuyện đau lòng xảy ra.
“Nhiều người nghĩ rằng, chúng ta có thể báo hiếu cho cha mẹ, ông bà bằng vật chất là đủ song kỳ thực, vật chất chỉ là một phần và cái quan trọng hơn cả là sự quan tâm chăm sóc, tình cảm gần gũi. Đôi khi, họ chỉ cần những lời hỏi thăm ân cần, tử tế, những câu chuyện, sẻ chia rất đỗi bình thường nhưng con cái lại quên đi điều đó” – Đại đức Thịnh nhắn nhủ.