Chị Đỗ Thị Hằng (34 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, khi đọc những dòng tin về gia đình 2 bé Nhi song sinh dính liền ở TP.HCM chị thực sự khâm phục về sự dũng cảm của bố mẹ hai bé đã quyết giữ con chào đời. Dù hai con người chung 1 cá thể nhưng hai bé vẫn có quyền được làm người.
Chị Hằng tâm sự rằng bản thân chị là bà mẹ đã từng hai lần phải bỏ thai vì dị tật.
Năm 2011, chị mang thai bé đầu tiên. Cảm giác chào đón đứa con đầu lòng chưa được bao lâu thì chị sốc nặng khi được tư vấn đình chỉ thai kỳ do chị bị nhiễm rubella. Khi đó dù chưa xác định được dị tật nhưng vợ chồng chị đã quyết định đình chỉ thai kỳ vì sợ con chào đời sẽ không khỏe mạnh. Vợ chồng chị từ đó ám ảnh về cụm từ "dị tật thai nhi".
Đến năm 2013, chị Hằng mang thai lần thứ hai. Suốt thai kỳ chị thấp thỏm với lo lắng, sợ hãi dị tật thai nhi nên thường xuyên đi siêu âm. May mắn là bé gái của vợ chồng chị cuối cùng đã chào đời khỏe mạnh.
Chị Hằng tiếp tục mang thai lần nữa vào năm 2016. Vào tuần thứ 12 của thai kỳ, chị Hằng được bác sĩ chẩn đoán bé bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch. Những ngày sau đó với vợ chồng chị Hằng thực sự là những ngày giằng xé đấu tranh tư tưởng.
Suốt cả tuần, hai vợ chồng chị Hằng mất ngủ, suy nghĩ nên để đẻ hay bỏ con. Chị sợ nhất việc cho con chào đời với hình hài không bình thường là có lỗi với con.
Tới tuần thai thứ 14 hai vợ chồng chị lại đi siêu âm. Lần này, bác sĩ lại thông báo thêm tin sét đánh “thai nhi bị dị tật vùng não, não trước không phân chia”. Lúc này, vợ chồng chị Hằng cay đắng chấp nhận phương án đình chỉ thai nghén.
Cuộc hội chẩn của bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội như nhát dao đâm vào tim gan người mẹ này. Khi đó, thai nhi đã 15 tuần, chị Hằng phải làm thủ thuật bỏ thai.
Suốt mấy năm sau chị vẫn ám ảnh không dám mang thai. Đến năm ngoái, do gia đình động viên nên chị Hằng mới quyết định mang thai lần nữa. Chị vẫn nguyên cảm xúc "đứng ngồi trên đống lửa" khi làm các xét nghiệm sàng lọc trước sinh theo tư vấn của bác sĩ. Chị chỉ thở phào nhẹ nhõm khi con trai cất tiếng khóc chào đời với hình hài lành lặn và khỏe mạnh.
TS.BS Nguyễn Hữu Trung (Trưởng Phòng khám Phụ Sản- Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 2) - Giám đốc chuyên môn phòng khám Hoàng Gia TP.HCM) cho biết bản thân ông cũng từng phải tư vấn về những vấn đề bất thường của thai nhi.
Có những ông bố, bà mẹ khi thấy một cái bất thường của thai nhi, dù nhỏ, cũng suy nghĩ theo hướng tiêu cực. Ví dụ như họ muốn dừng thai kỳ chỉ vì con có xương mũi ngắn, dư một ngón tay, ngón chân...
Theo TS.BS Nguyễn Hữu Trung, trường hợp hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi khi tầm soát trước sinh đã biết hai bé dính nhau, đây là một dạng dị tật nặng nhưng bố mẹ vẫn quyết định giữ để sinh con. Ai cũng thương con nhưng tình thương vượt qua mọi khó khăn dù được biết trước, kiên quyết giữ bào thai bằng mọi giá thì không phải ai cũng làm vậy.
Bác sĩ Trần Văn Phúc (Khoa Chẩn đoán Hình ảnh, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) cho biết, sàng lọc trước sinh là xét nghiệm thực hiện cho các mẹ bầu. Xét nghiệm này giúp đánh giá nguy cơ thai nhi mắc các dị tật bẩm sinh như hội chứng Down, Edward hay dị tật ống thần kinh,...
Xét nghiệm sàng lọc trước sinh mục đích để cha mẹ cũng như bác sĩ phát hiện các dị tật. Nếu đó là dị tật có thể sửa chữa thì bác sĩ, cha mẹ cũng có sự chuẩn bị trước.
Ở các nước phát triển, thai nhi hoàn toàn có quyền được chào đời với dị tật có thể sửa chữa được.
Bác sĩ Phúc khẳng định, sàng lọc trước sinh không phải chỉ để đình chỉ thai nghén hay không. Nhiều bà mẹ đang quan niệm sai lầm rằng sàng lọc nếu có dị tật là đình chỉ thai nghén.