Top 10 nghề áp lực nhất thế giới, nhà báo xếp thứ 5 đấy các bạn ạ!

Công việc nào mà chẳng có áp lực. Thế nhưng, những ngành nghề dưới đây sẽ khiến bạn bất ngờ bởi sự thật đằng sau chẳng hề hào nhoáng như bạn nghĩ. Ngược lại, nó còn mang lại cả tá stress không điểm dừng.

Ngày đầu tuần thường không mấy khi mang lại những cảm xúc tích cực cho chúng ta. Chẳng phải tự nhiên mà hội chứng ngày thứ 2 ra đời chỉ để hằn thêm nỗi bực dọc của mỗi người về cả tá công việc đang chờ giải quyết sau ngày cuối tuần xả láng. Bản tính con người cứ thích thở than, dù họ biết mình chẳng tới nỗi mệt mỏi như thế.

Nếu bạn đang chán chường với công việc của mình, khao khát được làm những công việc đầy bay nhảy mà vẫn kiếm ra ối tiền khác, thì hãy xem ngay top các công việc áp lực nhất thế giới dưới đây. Đây không hề là danh sách tào lao. Nó được Tổ chức tâm lý Hoa Kỳ công bố vào năm 2017 dựa trên các tiêu chí về thời gian, khối lượng công việc và mức độ an toàn. Xem xong, đảm bảo bạn sẽ bớt “bán than” và phần nào cảm thấy yên vị với công việc hiện tại đấy.

Tài xế taxi: Vi vu khắp nơi với quỹ thời gian vô hạn

Đôi khi, bạn cũng thấy hơi ghen tị với mấy bác tài xế, cả ngày bon bon trên đường, chẳng sợ nắng mưa, thích thì làm, không thích thì lẩn. Thực tế, nghề này được đánh giá là tương đối an toàn trong xã hội, thu nhập ổn định mà thời gian thì lại linh hoạt.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, phải thử ngồi cả ngày một vị trí, đầu óc lúc nào cũng căng lên với thế trận đường phố, thỉnh thoảng buộc phải “nhảy số phản xạ” trước vài ba trận càn quét của ninja Lead… bạn mới hiểu được làm tài xế nó nhọc thế nào. Chưa kể tới những vị khách “rách trời rơi xuống” khiến tài xế lắm phen hết hồn, thậm chí còn nguy hiểm tới tính mạng. Bao nhiêu hiểm họa rình rập như vậy, làm sao có thể giữ đầu óc thoải mái mà làm việc đây?

Do đó, mức độ stress trong nghề tài xế được chấm ở mức 48.11.

Nhân viên các tập đoàn lớn: Vừa sang vừa chảnh vừa được người người ngưỡng mộ

Nhìn bạn bè làm việc cho các công ty, tập đoàn tiếng tăm, trong khi mình cứ ở mãi một văn phòng nhỏ bé, chắc bạn cũng thấy hơi chạnh. Bạn lướt điện thoại, nhìn thấy bạn mình check-in sang chảnh, gặp gỡ đối tác rồi ước ao mình cũng có một cuộc sống khác lạ như vậy?

Check-in với các sếp lớn thì trông cũng sang cái ảnh đấy, mỗi tội làm việc thì áp lực khỏi bàn luôn.

Nhưng, hãy thử zoom kĩ tấm ảnh bạn mình đang cười xem, lỡ đâu bạn lại thấy vài nét buồn trên khuôn mặt đó. Đoạn này có vẻ khá là suy diễn nhưng hãy nghĩ mà xem, làm việc cho một tập đoàn lớn không phải điều đơn giản. Năng lực chuyên môn không phải điều tất cả, chúng ta còn cần phải có khả năng chịu đựng khối lượng công việc cùng hàng tấn áp lực lớn đến đâu để xứng đáng với mức lương trong mơ?

Bạn biết mà, điều gì cũng có cái giá của nó. Các nhân viên tại tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Amazon còn khuyên rằng “Dù có chết cũng đừng làm ở nơi này” dù danh tiếng của nó ngời ngời tới đâu.

Mức độ stress trong nghề là 48.71 điểm.

Chuyên viên PR: Năng động số 1 mà đa năng cũng số 1

Chuyên viên PR chưa bao giờ là công việc dễ dàng, nhàn hạ hay thoải mái. Bạn nhận thấy họ thật sung sướng khi được tham dự hết event này tới event khác, sống trong sự náo nhiệt của xã hội và chẳng bao giờ nhàm chán mỗi khi thức dậy cả.

Ảnh minh họa

Thế nhưng, đó chỉ là mảng nổi, còn mảng chìm thế nào chỉ người trong nghề mới hiểu. Hiếm có nghề nào khiến người ta phải chịu sức ép lẫn rủi ro không tưởng từ 4 phía: khách hàng, lãnh đạo, đối thủ, và thậm chí là “gà nhà” như người làm PR. Làm PR là làm trăm, làm ngàn công việc không tên bên lề nhưng chẳng ai vinh danh hay ghi nhận bạn vì những cống hiến lặng thầm đó cả.

Mức độ stress của nghề này là 49.44 dù mức lương trung bình (tính ở nước Mỹ) là 107.320 USD/năm.

Biên tập viên báo chí: Luôn sẵn sàng khi tình thế yêu cầu

Ảnh minh họa

Giống như nhà báo, phóng viên, một biên tập viên luôn phải đảm bảo sự xuất hiện kịp thời mỗi khi có diễn biến xã hội đặc biệt nào đó xảy ra. Họ sẽ phải giữ vững sự “trên thông thiên văn, dưới tường địa lí” của mình để thông tin được đưa tới độc giả một cách chính xác nhất. Trong nhiều trường hợp cần thiết, họ sẽ xuất hiện trực tiếp trước ống kính ghi hình để tường thuật lại tin nóng.

Khác với phóng viên xã hội, không phải biên tập viên nào cũng được “đi đây đi đó”. Họ là những người làm “hậu kì” đầy xuất sắc, thường xuyên đối mặt với áp lực đề tài và cũng chẳng có mấy thời gian cho bản thân lẫn gia đình.

Mức độ áp lực của nghề biên tập viên là 49.83, cao hơn nhiều người từng nghĩ.

Nhà báo/ phóng viên: Đi mọi nơi và “biết tuốt”

Nhà báo/ phóng viên cũng chịu áp lực từ deadline y như ai. Họ đứng trước sự cắn rứt giữa lương tâm làm nghề và nỗi lo cơm áo gạo tiền. Trong báo chí, luôn có sự giằng co giữa “đưa tin nhanh nhất” và “đưa ra sự thật”. Bạn có thể thấy anh nhà báo, cậu phóng viên kia thật “ngầu”, điều gì cũng biết, cái gì cũng hay, lại được đi đây đi đó. Thực ra, đằng sau vẻ ngoài đầy “quyền lực” đó là cái đầu luôn căng ra vì… bí đề tài đấy.

Ảnh minh họa

Chưa kể, những người làm báo không bao giờ có ngày nghỉ. Bạn đi làm, họ cũng đi làm. Bạn nghỉ, họ càng làm. Cứ nghĩ đơn giản như việc ngày nào cũng bị cô giáo kiểm tra bài cũ, nếu không yêu việc học, còn lâu bạn mới chịu được.

Mức độ stress của nghề báo đạt mức 49.90.

Nhân viên tổ chức sự kiện: Làm dâu trăm họ

Nhân viên tổ chức sự kiện không những phải làm vừa lòng khách hàng, vừa phải đảm bảo mọi tính toán đều nằm trong mức dự trù cho phép. Mọi thứ đều phải được diễn ra ổn định đến từng chi tiết sao cho rất nhiều khách hàng phải cùng vui vẻ.

Thử nghĩ xem, chỉ cần một sai sót xảy ra là cả chương trình của bạn đứng trước nguy cơ bị người ta chỉ trích là “thiếu chuyên nghiệp”. 9 người 10 ý, bạn còn phải duy trì không khí giữa những người trong nhóm với nhau bởi làm việc hiệu quả theo team sẽ giúp mọi thứ trơn tru hơn.

Tóm lại, nghe thì rất hay nhưng nghề tổ chức sự kiện cũng mang tới mức độ stress khá cao: 51.15 điểm.

Ảnh minh họa

Cảnh sát: Quyền lực đầy mình

Có lẽ chúng ta sẽ không phải bàn cãi nhiều về mức độ nguy hiểm và áp lực mà các chiến sĩ công an, cảnh sát phải đối mặt trước những nhiệm vụ liên quan tới giữ gìn ổn định trật tự xã hội. Bên cạnh những đe dọa về tính mạng, người chiến sĩ cảnh sát cũng phải giữ vững đạo đức, kiên nhẫn cùng lòng dũng cảm để “đến dân mến, ở dân thương, về dân nhớ”.

Thách thức lớn như vậy nên nghề này có mức độ áp lực lên tới 51,97 điểm.

Ảnh minh họa

Phi công: Hào hoa, bóng bẩy và luôn được đi du lịch miễn phí

Bạn biết đấy, phi công là nghề có mức lương trên trời y như vị trí thường trực của họ vậy. Theo thống kê vào năm 2017, tổng thu nhập của phi công Tổng công ty Hàng không Việt Nam là 1,4 tỉ đồng/năm. Phi công luôn vi vu trên trời, đi bất cứ nơi đâu họ thích (miễn là nó xuất hiện trong lịch trình công việc), còn gì đáng mơ ước bằng?

Ảnh minh họa

Nhưng, phi công cũng phải chịu trách nhiệm cho sự an toàn của hàng trăm hàng khách. Cách mặt đất vài chục nghìn km, bạn không được phép để bất kì sai sót nào xảy ra. Bạn không được nuôi râu, không được có hình xăm hay dù chỉ là một vết sẹo. Thị lực của bạn phải đạt mức tinh tường nhất, cũng như tâm lí phải được giữ ở mức bình tĩnh. Với những chuyến đi liên miên, bạn chẳng có nhiều thời gian bên gia đình.

Do đó, mặc kệ mức lương có cao đến đâu, nghề phi công cũng khiến người ta stress ở mức 61.07 điểm.

Lính cứu hỏa: Những người hùng thầm lặng

Những người lính cứu hỏa nói rằng họ vốn không sợ chết, chỉ sợ không cứu được người gặp nạn trong hỏa hoạn. Người lính cứu hỏa không chỉ sống chung với khói lửa mà tinh thần của họ luôn được đặt trong trạng thái “căng như chão” khi liên tục phải đối mặt với những tình huống sinh tử.

“Sếp” của đội chữa cháy còn vất vả hơn “quân” của mình, luôn lao ra chiến trường đầu tiên, trực tiếp chỉ huy chống lửa và giữ cho tinh thần cả đội vững vàng. Rủi ro tới tính mạng là điều bất cứ ai trong nghề cũng sẵn sàng đối mặt ở mọi nhiệm vụ được giao.

Ảnh minh họa

Những người chiến sĩ thời bình luôn phải chịu mức độ stress trong công việc lên tới 72.43 điểm.

Binh lính: Sẵn sàng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ

Chúng ta luôn hiểu rằng chỉ khi nào thế giới thực sự ở trong không khí hòa bình, tính chất nguy hiểm trong nghề lính mới bớt đi phần nào. Tuy nhiên, đó là điều dường như quá khó để trở thành hiện thực khi sự mâu thuẫn vẫn âm ỉ cháy trong nhiều quốc gia.

Nghề lính chính là nghề căng thẳng và nguy hiểm bậc nhất thế giới khi đạt số điểm là 72.47.

Ảnh minh họa

Đọc xong chừng này các công việc, bạn có còn thấy muốn “chủ động thất nghiệp” nữa không?