Cách đây vài ngày, trên đường Đại Khê thuộc thị trấn Đại Khê, thành phố Ôn Lĩnh, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, một người đàn ông 70 tuổi bị bắt khi đang trộm tiền ở chợ rau. Ông bị một số người trong chợ trói lại, đem diễu trên đường rồi đánh đập.
Sau đó, nhóm người này lại trói gô ông vào một gốc cây giữa trời lạnh, thậm chí còn liên tục đánh vào mặt ông lão. Rất nhiều người theo dõi và quay chụp lại quá trình này.
Cảnh sát thị trấn Đại Khê sau đó cho biết, đây không phải lần đầu tiên người đàn ông này bị bắt quả tang trộm cắp. Theo hồ sơ, ông lão này thường xuyên đi ăn trộm, ít tiền có, nhiều tiền cũng có, khiến nhiều người vừa ghét vừa hận. Lần này, có lẽ người dân trong trấn đã quá bức xúc nên mới có hành vi sai trái như vậy.
Câu chuyện này được bàn luận sôi nổi trên mạng với nhiều ý kiến trái ngược. Nhiều người bày tỏ, tuy biết việc trói người là sai nhưng họ hiểu cảm giác tức giận bức xúc của những người trong chợ. Người đàn ông này ngựa quen đường cũ, trộm vặt nhiều lần, không chịu sửa đổi, thật đáng giận.
Tuy nhiên, phần lớn cư dân mạng cho rằng không thể coi việc hành hung ông lão là "quần chúng trừng phạt cái ác và phát huy cái thiện" như một số người phát biểu; việc làm nhục công khai và đánh ông lão là hành động đi quá xa, vi phạm pháp luật.
Theo một số luật sư, pháp luật khuyến khích công dân chống lại các hành vi phạm pháp và chống tội phạm thông qua các quy định về "tự vệ chính đáng" và "làm việc nghĩa". Bất kỳ công dân nào cũng có quyền bắt giữ người đang phạm tội hoặc người bị phát hiện ngay sau khi phạm tội, giao người đó cho cảnh sát.
Tuy nhiên, việc sử dụng "tư hình" với các hành vi làm nhục, tấn công như trói, tát… không chỉ xâm phạm quyền và lợi ích của người khác mà nếu tình tiết nghiêm trọng thì còn có thể bị cáo buộc các tội hình sự như lăng mạ, giam giữ trái pháp luật, cố ý gây thương tích...
Nguồn: Sohu