Xuất hiện trong bản tin của VTV24 nói về chủ đề "văn hóa khi stream trên mạng", Pew Pew gây tranh cãi với quan điểm của mình và thậm chí động chạm tới người bạn Độ Mixi.
Xu hướng livestream bình luận game ngày càng thu hút sự quan tâm của giới trẻ hơn bất kỳ kênh giải trí nào với những tên tuổi trong "tứ hoàng streamer" đình đám bậc nhất Việt Nam gồm ViruSs, PewPew, Độ Mixi và Xemesis. Sở hữu hàng triệu người hâm mộ, bất kỳ video hay phát ngôn của những streamer đình đám này đều có ảnh hưởng nhất định đến giới trẻ.
Các streamer có thể coi như các bình luận viên game, mang đến sức hút cho các video stream này. Ngoài những bình luận, đánh giá về nhiều tựa game, những câu chuyện đời sống ngoài lề, qua cách thể hiện duyên dáng cũng giúp cho người xem có những giây phút giải trí. Thế nhưng, một vấn đề tồn đọng trong giới streamer hiện nay là việc tự do thái quá trong sử dụng ngôn từ. Thoải mái "nói tục, nói bậy", thậm chí đề cập đến vấn đề nhạy cảm đều được nhiều streamer tận dụng để thu hút lượng người theo dõi. Pew Pew - một trong số streamer đình đám đã lên tiếng về thực trạng này.
Chia sẻ trên VTV24, Pew Pew thừa nhận khi mới vào nghề, anh cũng thoải mái quá mức khi stream vì coi đó là những buổi giao lưu đơn thuần trên mạng. "Thế nhưng khi nhận được sự quan tâm của nhiều người, mình nhận ra nó phải thay đổi. Phải tiết chế lại. Nếu như bây giờ các bạn làm nghề này đang thật sự nổi tiếng thì mình phải bỏ hẳn. Khi mình đã nổi tiếng thì không thể thích nói những gì mình thích", Pew Pew chia sẻ. Đặc biệt, anh nhấn mạnh nếu muốn nghề này được công nhận, muốn tương lai tốt cho nghề thì mình cần thay đổi.
Quan điểm của Pew Pew gây ra làn sóng tranh cãi bởi số lượng fans của cá streamer khác là khá lớn, điển hình là Độ Mixi. Trong các video của Độ, nam streamer cũng dùng ngôn từ khá thoải mái và được người hâm mộ yêu thích, đặc biệt là trẻ vị thành niên - đối tượng thường xuyên xem stream game trên mạng. Nhiều người ủng hộ Độ Mixi cho rằng, anh cố tình stream từ 22h đến 3h sáng để tránh các em nhỏ theo dõi. Kênh của Độ cũng gắn mác hạn chế thanh niên dưới 18 tuổi.
"Quan trọng là cách quản lý con cái của phụ huynh thôi chứ liên quan gì đến nghề streamer. Mỗi người mỗi tính, cứ ném cho con cái điện thoại thì nó xem cái gì hư hỏng lại đổ cho thằng streamer" ,"Đừng đổ hết trách nhiệm lên đầu một ông streamer để lấp liếm đi sự kém cỏi trong cách giáo dục và bất lực trong việc kiểm soát của phụ huynh với con cái", hàng loạt ý kiến phản biện đưa ra.
Pew Pew "đá đểu" chính nghề của mình hay đến lúc phải thay đổi?
Phần đông ý kiến ủng hộ quan điểm của Pew Pew khi kêu gọi cộng đồng streamer tiết chế và thay đổi ngôn từ cho phù hợp. Thực tế hiện nay có thể bắt gặp bất kỳ bình luận, hay câu nói của giới trẻ kèm theo những từ ngữ bậy bạ. Từ mạng xã hội ra đến đời thật là khoảng cách rất ngắn. Những thần tượng có sức ảnh hưởng đến giới trẻ vô tình sẽ trở thành kiểu người mà fans muốn học theo. Nhiều học sinh, sinh viên coi streamer là nghề đáng theo đuổi, vì chỉ cần ngồi một chỗ "tán phét" vẫn giàu.
Và không chỉ stream game, việc kiểm soát nội dung trên các trang MXH cũng gây đau đầu cho giới chức năng, vì số lượng nội dung đăng tải quá nhiều. Cùng với đó, giới trẻ tiếp xúc ngày càng gần với văn hóa "chửi bậy" trên Facebook, những Vlog vô bổ nguy hiểm trên Youtube, coi việc nói "tục" là thể hiện cá tính. Kiếm tiền từ mạng xã hội trở thành xu thế chung của thế giới, nhưng làm người nổi tiếng mà chỉ kiếm tiền cho bản thân, gây hại cho xã hội thì không thể tồn tại lâu dài.