Tờ Insider đưa tin, gần đây, nhiều cô gái cảm thấy thích thú khi làm các clip bắt trend (xu hướng) ăn bữa tối bằng những đồ ăn nhẹ có sẵn trong tủ lạnh như: trái cây, bánh mì, pho mát, dầu ô liu, dưa chua, trứng... Các loại thực phẩm được sắp xếp đẹp mắt trên đĩa, tạo cảm giác đây là một bữa ăn đặc biệt.
Bữa tối đơn giản kiểu "girl dinner" đang là trào lưu trên TikTok. Những video "girl dinner" thu hút lượng tương tác khủng. Xu hướng này được hàng nghìn cô gái hưởng ứng, đặc biệt là những cô nàng độc thân, bận rộn.
Người được xem khởi đầu trào lưu này là cô gái Olivia Maher (28 tuổi), ở Mỹ. Olivia Maher đã đăng video về bữa tối của mình với bánh mì, pho mát, nho và rượu vang vào ngày 12/5. Và từ đây, nhiều dân mạng, đặc biệt là phái nữ đã làm theo.
Nhanh, gọn và đẹp mắt là thứ khiến đĩa thức ăn của Maher gây ấn tượng với người theo dõi. Cô nói rằng có nhiều cô gái khác ngoài kia cũng ăn uống giống mình và điều đó làm họ thích thú.
"Tôi tin nhiều phụ nữ cũng đồng ý rằng những bữa tối dễ dàng, ít tốn công sức như đĩa phô mai hay đồ ăn nhanh là một cách để giải tỏa mệt mỏi sau một ngày dài", một cô gái có tên Marissa Mullen bày tỏ.
Mullen đồng thời chia sẻ rằng phiên bản "girl dinner" yêu thích của cô là đào tươi, quả xuân đào và dưa chuột với burrata, bánh mì bột chua tươi, prosciutto, húng quế và dầu ô liu nguyên chất.
Rất nhiều cô gái cũng cho rằng trào lưu này không cần phải nấu nướng, chỉ cần mở tủ lạnh ra, cắt vài miếng đồ ăn để vào đĩa và thưởng thức.
Một số hình ảnh về bữa tối kiểu "girl dinner"
Tuy nhiên, như nhiều trào lưu khác trên mạng xã hội, "girl dinner" cũng gây ra tranh cãi. Khi xu hướng này bùng nổ, nó thu hút sự chú ý theo hướng tiêu cực. Có những ý kiến cho rằng khi trào lưu này lan truyền rộng sẽ tạo nên thói quen xấu, họ cho rằng những bữa tối sơ sài sẽ không đủ chất dinh dưỡng. Những đồ ăn được dùng trong "girl dinner" cũng bị cho là không phải một bữa ăn hoàn chỉnh.
Bên cạnh đó, có những lo ngại nhất định khi ngày càng có nhiều người chia sẻ bữa ăn của họ trên TikTok. Một số chuyên gia dinh dưỡng cũng từng nhận xét trào lưu "Tôi ăn gì trong một ngày" có thể thúc đẩy rối loạn ăn uống, khuyến khích người xem so sánh bữa ăn của họ với người khác và thấy tự ti.