Tết là thời khắc thiêng liêng nhất trong một năm. Đó là dấu hiệu khép lại một chu kỳ cũ và mở ra một vòng quay mới Xuân Hạ Thu Đông của đất trời. Tất cả đều mong chờ khoảnh khắc chuyển giao ý nghĩa đó với bao hân hoan, ước vọng.
Tôi thương mẹ luôn phải nhẫn nhịn phục vụ ông chồng gia trưởng
Thế nhưng cũng có không ít người không thích Tết, thậm chí cảm thấy Tết như một gánh nặng, một áp lực khổng lồ. Tôi là một người trong số đó.
Tôi ghét Tết không phải vì bản thân phải chịu áp lực. Tôi là mẫu phụ nữ hiện đại. Những phong tục tập quán với tôi không có quá nhiều ý nghĩa. Tôi chỉ xem đó như là dịp để nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng sau quãng thời gian làm việc vất vả.
Tôi ghét Tết bởi vì tôi thương mẹ. Giống như bao người phụ nữ truyền thống Việt Nam khác, mỗi dịp Tết là mẹ tôi phải hoạt động hết công suất. Tất cả mọi chuyện lớn bé trong nhà đều do một tay mẹ tôi đảm nhiệm.
Tôi lớn lên trong một gia đình trung lưu ở nông thôn Bắc bộ. Vì vậy bố tôi theo hình mẫu các cụ ngày xưa. Với ông, ngày Tết phải đầy đủ lệ bộ theo đúng phong tục cổ truyền. Thế nhưng, công việc chính và gần như duy nhất của ông là… chỉ đạo.
Nhiều năm qua, mẹ tôi luôn là “lao động chính” trong nhà dịp Tết. Từ sau rằm tháng Chạp, bố tôi đã đưa ra những yêu cầu dài cả quyển vở để chuẩn bị đón Tết. Cúng ông Công ông Táo thế nào, thịt bao nhiêu con gà, gói bao nhiêu chiếc bánh chưng, sắm đào mua quất. Rồi thì sắp xếp lại ban thờ, quà cáp biếu ông bà họ hàng, lau dọn nhà cửa, bàn ghế…
Nói chung chỉ nhìn thấy bảng "phân công công tác" đó thôi cũng đã đủ mệt chứ đừng nói đến việc bắt tay thực hiện. Thế nhưng năm nào cũng vậy, mẹ tôi đều cần mẫn thực hiện mà không nhận được sự trợ giúp nào từ bố.
Càng lớn lên, tôi càng nhận thức được những gánh nặng trên vai mẹ mỗi dịp Tết đến xuân về. Thời gian mẹ ở dưới bếp, ngoài sân còn nhiều hơn thời gian trong gian nhà chính để cùng bố tận hưởng cảm giác thảnh thơi thư giãn.
Thương mẹ bao nhiêu tôi càng thấy trách bố bấy nhiêu. Mặc dù là đàn ông trụ cột trong gia đình nhưng lề thói gia trưởng đã trở thành căn bệnh thâm căn cố đế. Đối với những người đàn ông như vậy, phụ giúp vợ con việc nhà dường như là một sự sỉ nhục.
Không chỉ thờ ơ trước sự vất vả của mẹ, bố còn thường xuyên ngồi rung đùi chỉ đạo. Nỗi niềm ấm ức của mẹ càng tăng lên theo từng câu trách móc chê bai của người chủ gia đình.
“Nhớ chuẩn bị mọi thứ cho tươm tất vào không khách khứa họ đến lại cười vào mặt tôi. Năm nào cũng chỉ có từng đấy việc mà cứ lóng nga lóng ngóng”, những lời lẽ như vậy nếu là tôi, tôi sẽ không đủ kiên nhẫn để chịu đựng.
Sau khoảnh khắc giao thừa, mẹ tôi cũng chưa được yên thân. Ngày nào cũng vậy, bố tôi mời hết lượt họ hàng rồi bạn bè đến nhà ăn nhậu. Và tất nhiên mẹ lại phải phục vụ từ đầu chí cuối.
“Cho bát nước chấm nhanh lên. Đun lại bát canh cho nóng. Thịt gà hôm nay luộc là chưa được khéo, nát quá…”, mẹ tôi cứ quay như chong chóng chẳng khác nào một người giúp việc.
Mẹ tôi cặm cụi làm việc trong tiếng cười nói ha hả, rồi tiếng chê bai, bắt lỗi của những người đàn ông chưa biết có giỏi việc nước hay không nhưng việc bóc lột vợ con thì khó ai hơn được.
Tôi đã nhiều lần không thể chịu đựng, định vùng lên đòi lại công bằng cho mẹ. Nhưng rồi mẹ tôi luôn gạt đi: “Mẹ xin mày đấy, mẹ quen rồi, tính bố mày nóng như lửa ấy, rồi lại loạn nhà loạn cửa lên. Mẹ lao động cho khỏe người, ngồi không có khi lại bệnh ý chứ”.
Tôi thừa biết mẹ tôi đã mệt mỏi, kiệt sức sau bao nhiêu năm như vậy. Tôi sẽ không để sự việc này cứ mãi diễn ra. Tôi phải để cho bố hiểu rằng Tết trọn vẹn hạnh phúc nhất là tất cả thành viên đều được nghỉ ngơi, quây quần bên nhau chứ không phải lời khen chê của những người khách ưa soi mói.