Người dân xếp hàng tham quan Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc khi nhiệt độ lên tới 40 độ C ngày 15/6/2023. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Cụ thể, theo Nhật báo Tân Cương, nhiệt độ tại thị trấn Sanbao ở lưu vực Turpan của Tân Cương đã tăng cao tới 52,2 độ C, với mức nhiệt kỷ lục dự kiến sẽ kéo dài ít nhất 5 ngày nữa.
Nhiệt độ ghi nhận ngày 17/7 đã phá kỷ lục trước đó là 50,3 độ C, được đo vào năm 2015 gần Ayding trong lưu vực. Đây là một lưu vực rộng lớn gồm cồn cát và hồ khô cạn ở độ sâu hơn 150 m dưới mực nước biển.
Kể từ tháng 4, các quốc gia trên khắp châu Á đã phải hứng chịu nhiều đợt nắng nóng kỷ lục, làm dấy lên lo ngại về khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các quốc gia này. Các chuyên gia khí hậu cho biết mục tiêu duy trì tình trạng nóng lên toàn cầu trong phạm vi 1,5 độ C đang vượt ngoài tầm với.
Nhiệt độ cao kéo dài ở Trung Quốc đã thách thức lưới điện và mùa màng, đồng thời gây lo ngại về khả năng lặp lại tình trạng hạn hán năm ngoái được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong 60 năm.
Mặc dù Trung Quốc không xa lạ gì với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột qua các mùa nhưng sự thay đổi này đang ngày càng đáng kể và lan rộng hơn.
Ngày 22/1, nhiệt độ ở Mohe - một thành phố ở tỉnh Hắc Long Giang - đã giảm xuống -53 độ C, phá vỡ mức thấp nhất mọi thời đại trước đó của Trung Quốc là -52,3 độ C vào năm 1969.
Kể từ đó đến nay, miền Trung Trung Quốc cũng luôn phải hứng chịu những trận mưa lớn nhất trong một thập kỷ, tàn phá những cánh đồng lúa mì ở khu vực được coi là vựa lúa của đất nước.
Tuần này, đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry đã có chuyến thăm và làm việc tại Bắc Kinh, dự kiến hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Xie Zhenhua trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách khơi lại những nỗ lực để chống lại hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Nguồn: Reuters