Tượng Phật ở Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây Nam Trung Quốc - nơi phải đóng cửa tuyến du lịch dưới chân tượng do nhiệt độ quá cao. Ảnh: Chinanews.
Đây là ngày thứ 4 liên tiếp nước này phải đưa ra cảnh báo cao nhất về nhiệt độ cao và cũng là ngày thứ 26 liên tiếp trong năm nay Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc phát đi cảnh báo nhiệt độ cao.
Ông Trần Đào, dự báo viên trưởng của Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc, cho biết: “Việc ban hành cảnh báo đỏ nhiệt độ cao có nghĩa là phạm vi và cường độ của thời tiết nắng nóng đã đạt mức ảnh hưởng tương đối lớn và cảnh báo đỏ là cấp cao nhất của cảnh báo thời tiết nhiệt độ cao.”
Theo các nhà khí tượng học Trung Quốc, mùa hè 2022, nước này đang trải qua đợt nắng nóng lớn nhất trong 6 thập kỷ qua.
Cũng theo ông Trần Đào, kể từ tháng 7, số ngày nhiệt độ cao trung bình trên 35 độ C ở tỉnh Chiết Giang là 31 ngày và số ngày trung bình trên 38°C là 16 ngày, nhiều nhất cùng thời kỳ trong lịch sử. Số ngày nhiệt độ cao ở Trùng Khánh cũng lên tới 29,3 ngày, nhiều thứ hai cùng kỳ kể từ năm 1951. Thượng Hải cũng có tới 40 ngày nhiệt độ trên 35 độ C trong năm nay, trong đó 6 ngày trên 40 độ C.
Bà Trần Lệ Quyên, dự báo viên trưởng của Trung tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc, khi trả lời truyền thông trong nước cũng cho biết do thời tiết nắng nóng ở miền Nam nước này sẽ tiếp tục trong hai tuần tới, nên đợt nhiệt độ cao cục bộ lần này sẽ vượt qua đợt nắng nóng 62 ngày của năm 2013 và trở thành đợt nắng nóng dài nhất kể từ năm 1961. Bà dự đoán cường độ tổng thể của thời tiết nắng nóng năm nay ở Trung Quốc có thể là mạnh nhất kể từ năm 1961 khi nước này có các ghi chép đầy đủ về khí tượng.
Trước đó, hôm 13/8, huyện Trúc Sơn ở tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc, đã trở thành địa phương nóng nhất ở nước này cùng thời điểm, khi nhiệt độ lên tới 44,6 độ C, vượt mức kỷ lục của năm 1966. Tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc đã phải phát đi cảnh báo hôm 14/8 do nhiệt độ trên mặt đất ở một số khu vực tại tỉnh này vượt 72 độ C.
Một số điểm du lịch ở Trung Quốc cũng phải đóng cửa do nhiệt độ quá cao. Cơ quan quản lý Tượng Phật khổng lồ cao 71m ở Lạc Sơn, một trong những điểm du lịch văn hóa quan trọng nhất của Trung Quốc, ở tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây Nam nước này ngày 14/8 đã thông báo sẽ đóng cửa khu vực chân tượng vì nhiệt độ quá cao. Trước đó, ngày 13/8, Ban quản lý thác Xích Thủy ở tỉnh Quý Châu, miền Tây Nam Trung Quốc, cũng cho biết đã đóng cửa khu vực thác vì thượng nguồn đã khô cạn do nhiệt độ cao.
Nắng nóng kéo dài còn dẫn đến hạn hán ở nhiều vùng của Trung Quốc, trong đó có tỉnh Hà Nam - nơi được coi là “vựa lúa” của nước này, cũng như khiến mức tiêu thụ điện tăng cao. Khoảng 20% diện tích ở tỉnh Hồ Bắc hiện cũng đang trải qua hạn hán, theo truyền thông địa phương.
Trong khi đó, theo số liệu của Công ty Lưới điện Quốc gia Trung Quốc chi nhánh Thượng Hải, lượng điện sử dụng của người dân ở siêu đô thị với 24 triệu dân này trong tháng 7 đã tăng 38,41% so với cùng kỳ năm ngoái và con số này đã tăng lên 40,24% trong tuần đầu tiên của tháng 8.
Các nhà khí tượng học dự đoán các đợt sóng nhiệt kéo dài sẽ trở thành “tình trạng bình thường mới” trong tương lai ở Trung Quốc do sự nóng lên toàn cầu đang ngày càng trầm trọng./.