Trung Quốc sử dụng “phóng viên robot”

Tại kỳ họp “Lưỡng hội” của thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, một “phóng viên người máy” đã được đưa vào tác nghiệp. Đây là lần đầu tiên một “phóng viên robot” tác nghiệp tại kỳ họp này.

Ngày 23/2, người máy Kuavo của Trung Quốc đã chính thức được cấp thẻ tác nghiệp tại kỳ họp “Lưỡng hội” (tương đương với kỳ họp của Hội đồng nhân dân và Mặt trận) của thành phố Thâm Quyến, với vai trò là “phóng viên” mời riêng của Kênh truyền hình vệ tinh thuộc Tập đoàn Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Thâm Quyến.

Sau khi được cấp thẻ, “phóng viên robot” đã ngay lập tức tác nghiệp với việc phỏng vấn các đại biểu tham dự kỳ họp. Đây là lần đầu tiên một robot hình người tham gia đưa tin tại kỳ họp “Lưỡng hội” ở Thâm Quyến với tư cách là phóng viên. Kênh truyền hình vệ tinh Thâm Quyến cũng mở chuyên mục riêng cho “phóng viên người máy” này.

Trung Quốc sử dụng “phóng viên robot”- Ảnh 1.

Phóng viên robot phỏng vấn đại biểu dự họp Lưỡng hội ở Thâm Quyến. Ảnh: Kênh truyền hình vệ tinh Thâm Quyến

Được biết, Kuavo là robot hình người đầu tiên tại Trung Quốc được trang bị hệ thống Hongmeng mã nguồn mở, có thể nhảy và thích nghi với nhiều địa hình. Robot này được chọn là 1 trong “10 sản phẩm sáng tạo hàng đầu về robot hình người năm 2024” ở nước này.

Bên cạnh robot hình người, các mô hình lớn AI, trong đó nổi bật là mô hình của DeepSeek đang nhanh chóng thâm nhập vào nhiều ngành nghề tại Trung Quốc.

Trước đó, quận Phúc Điền của Thâm Quyến đã triển khai các “nhân viên AI” dựa trên DeepSeek, với đợt đầu tiên gồm 70 người, nhằm hỗ trợ công tác quản lý và dịch vụ công.

Hôm 22/2, Cục Quản lý dữ liệu và dịch vụ hành chính thành phố Thâm Quyến đã vận hành thử nghiệm trợ lý hành chính AI. Đây là mô hình lớn về dịch vụ hành chính công ứng dụng trên thực tế dành cho công chúng đầu tiên ở Trung Quốc.

Không chỉ các cơ quan chính quyền, hàng chục bệnh viện ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước Trung Quốc, như Bắc Kinh, Thượng Hải, Tứ Xuyên, Quảng Đông, Phúc Kiến..., cũng đã tích hợp DeepSeek, nhằm hỗ trợ công tác chẩn đoán và điều trị, hướng tới việc thông minh hóa các kịch bản ứng dụng y tế trong tương lai.

Việc ứng dụng các mô hình lớn AI giúp y bác sĩ giảm đáng kể các nhiệm vụ ghi chép lặp đi lặp lại, cải thiện hiệu quả quy trình làm việc và dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động lâm sàng và giao tiếp với bệnh nhân. Đối với người bệnh, sự kết hợp giữa phân tích hỗ trợ AI và chuyên môn lâm sàng của bác sĩ cho phép đưa ra các kết luận chẩn đoán thuyết phục hơn, giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh lý.