Tỷ phú người Anh mất tích khi tham quan xác tàu Titanic, bí ẩn đằng sau là gì?

Tỷ phú người Anh Hamish Harding là một trong số những người mất tích trên tàu lặn tham quan xác tàu Titanic ở Đại Tây Dương.

Hôm 19/6, công ty hàng không Action Aviation của doanh nhân người Anh kiêm nhà thám hiểm Hamish Harding đã thông báo xác nhận rằng họ mất liên lạc với chiếc tàu lặn tên Titan thuộc sở hữu của công ty tư nhân Ocean Gate - công ty chuyên vận hành và cung cấp dịch vụ thám hiểm đại dương, bao gồm tham quan xác tàu Titanic. Công ty cho biết tàu lặn Titan có thể lặn ở độ sâu tối đa 4.000 m và đủ dưỡng khí trong 96 giờ cho 5 người., nhưng không nói rõ ai có mặt trên tàu.

Họ chỉ thông tin về việc tỷ phú người Anh Hamish Harding là một doanh nhân yêu thích thám hiểm và nằm trong số những người mất tích trên tàu lặn.

Hiện lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ ở thành phố Boston, bang Massachusetts và Canada đang phối hợp mở chiến dịch tìm kiếm con tàu trên phạm vi rộng. Theo thông báo ngày 19/6, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ cho biết đang tìm kiếm trên khu vực cách Cape Cod của bang Massachusetts 1.450km. Lực lượng tuần duyên Canada cũng đã huy động máy bay và tàu hỗ trợ.

Được biết, tỷ phú Hamish Harding sinh năm 1964 tại thủ đô London của nước Anh. Ông có bằng khoa học tự nhiên và kỹ thuật hoá học tại Đại học Cambridge. Hiện tại, ông Harding điều hành một công ty hàng không ở Dubai. 

Bên cạnh sự nghiệp, ông có đam mê thám hiểm khi từng lập Kỷ lục Guinness Thế giới về thời gian lặn lâu nhất tại nơi sâu nhất thế giới. Ông đạt được kỷ lục này vào năm 2021, khi thực hiện hành trình lặn xuống Rãnh Mariana và đi qua khu vực đó trong 4 tiếng 15 phút.

Đây mới chỉ là một trong ba kỷ lục thế giới mà người đàn ông 58 tuổi này đã đạt được. Vào năm 2019, ông là người bay vòng quanh Trái đất nhanh nhất qua cả hai cực trên chiếc máy bay thương gia Gulfstream 650ER. Năm 2022, ông Harding là một trong 6 người trên chuyến bay vào vũ trụ của công ty Blue Origin.

Trước khi khởi hành chuyến thám hiểm thăm tàu đắm Titanic, tỷ phú Harding đã đăng trên mạng xã hội: “Điều kiện thời tiết thuận lợi và chúng tôi sẽ thử lặn vào ngày mai”.

Ông cho biết thêm rằng đoàn sẽ bắt đầu di chuyển từ Canada và bắt đầu lặn sâu vào khoảng 4 giờ sáng. Mọi người cần ngồi họp với nhau và chuẩn bị nhiều công việc trước chuyến đi.


Hình ảnh cuối cùng chiếc tàu lặn.

Một nhân viên của tỷ phú tiết lộ rằng ông đã muốn thực hiện chuyến đi này “trong thời gian dài”. Nhân viên của công ty Action Aviation thì cho biết vẫn còn thời gian để tiến hành giải cứu và họ đang chờ cơ quan chức năng cập nhật thông tin.

Trước đó, vào năm 2021, ông từng trả lời phỏng vấn về việc chiếc tàu ngầm Challenger Deep có một động cơ bị hỏng trong hành trình đến rãnh Mariana.

Ông nói: “Tàu ngầm có nhiều tính năng an toàn, bao gồm dự trữ oxy, nước và khẩu phần ăn khẩn cấp trong bốn ngày. Vấn đề duy nhất là không có tàu ngầm nào khác có khả năng lặn xuống để giải cứu. Phải mất 3 năm để hoàn thành được một con tàu khác. Vì vậy, dự trữ khẩn cấp cho 4 ngày không thay đổi được gì. Nếu có sai sót, bạn sẽ một đi không trở lại”.

Vị tỷ phú với khao khát thám hiểm từng chia sẻ: “Khi tôi nghĩ ra điều gì đó dị thường, tôi chỉ cố gắng tìm mọi cách để biến nó thành hiện thực”.

Tàu Titanic va phải một tảng băng trôi và chìm vào năm 1912 trong chuyến hành trình đầu tiên từ Anh đến New York với 2.224 hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu. Hơn 1.500 người chết trong thảm kịch.

Xác tàu nằm ở độ sâu khoảng 3.800m dưới đáy Đại Tây Dương, ở khu vực ngoài khơi Newfoundland, Canada.

Kể từ khi xác tàu Titanic được tìm thấy vào năm 1985, nhiều du khách và những thợ lặn chuyên nghiệp đã tham quan xác tàu với chi phí đắt đỏ.