Cảnh sát làm nhiệm vụ trên đường phố Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap)
Trong nỗ lực hạn chế tình trạng lái xe khi say rượu và tăng cường an toàn đường bộ, Chính phủ Hàn Quốc sửa luật giao thông từ tháng 12/2018 để áp dụng hình phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi lái xe sau khi uống bia rượu.
Luật sửa đổi có hiệu lực từ tháng 6/2019, theo đó những người bị xác định phạm tội lái xe khi khi say có thể bị phạt tù lên đến mức chung thân và tội gây thương tích với mức phạt lên tới 15 năm tù.
Theo luật sửa đổi, nồng độ cồn trong máu để quyết định áp dụng biện pháp đình chỉ giấy phép giảm từ 0,05% xuống 0,03%. Mức vi phạm bị thu hồi giấy phép cũng giảm từ 0,1% xuống 0,08%.
Một người nặng 63kg và chỉ uống 1 cốc bia 350ml đã vượt quá ngưỡng 0,03%.
Sau khi luật mới được áp dụng, số vụ lái xe sau khi uống bia rượu đã giảm gần 25%. Trong số những người bị bắt, 77,4% bị thu hồi giấy phép lái xe, Yonhap đưa tin.
Quy trình đo
Khi một người bị chặn lại để kiểm tra mức độ tỉnh táo, cảnh sát sẽ thực hiện quy trình rất chặt chẽ. Điều đầu tiên họ làm là liên lạc với đồn cảnh sát qua radio để thông báo rằng họ sắp thực hiện kiểm tra, cung cấp tên và biển số xe của người lái xe để đảm bảo việc ghi chép và lưu giữ hồ sơ được thực hiện đúng quy định. Bước này rất quan trọng để lưu hồ sơ về vụ việc.
Sau đó, cảnh sát kiểm tra thiết bị đo nồng độ cồn, để đảm bảo thu được kết quả chính xác. Điều này được truyền đạt rõ ràng đến người được kiểm tra.
Cảnh sát cũng sẽ hỏi lái xe xem họ có sử dụng bất kỳ loại nước súc miệng có chứa cồn nào không, vì nó có thể ảnh hưởng đến kết quả của máy đo hơi thở. Nếu người lái xe xác nhận đã sử dụng nước súc miệng, họ được phép súc miệng bằng nước trước khi kiểm tra. Cảnh sát cung cấp khoảng 200ml để tài xế súc miệng, đảm bảo kết quả máy đo hơi thở không bị ảnh hưởng bởi lượng cồn còn sót lại từ nước súc miệng.
Sau khi có kết quả trên máy đo nồng độ cồn trong hơi thở, cảnh sát có nghĩa vụ thông báo cho người lái xe về mức nồng độ cồn trong máu (BAC) và quyền yêu cầu xét nghiệm máu của họ. Tại tòa án Hàn Quốc, kết quả máy đo hơi thở thường được coi là kết luận, trừ khi người lái xe yêu cầu quyền yêu cầu xét nghiệm máu trong khung thời gian phù hợp với lý do chính đáng. Điều này đảm bảo rằng người lái xe có cơ hội phản đối kết quả của máy đo hơi thở nếu họ tin rằng có thể máy đo không chính xác.
Trong quá trình kiểm tra mức độ tỉnh táo, cảnh sát còn có trách nhiệm ghi lại các quan sát bổ sung, ngoài kết quả hiện trên máy đo nồng độ cồn.
Cảnh sát đánh giá người lái xe theo nhiều tiêu chí khác nhau, như khả năng nói rõ ràng, đi trên đường thẳng, mặt đỏ như thế nào. Họ cũng ghi lại phản ứng và hành vi của lái xe trong quá trình kiểm tra, như hành vi cố ý bỏ chạy hoặc xin tha. Tất cả những quan sát này góp phần xây dựng một bộ hồ sơ toàn diện về lái xe để hỗ trợ quá trình pháp lý.
Các quốc gia khác
Nếu bị dừng xe ở Nhật Bản và có nồng độ cồn BAC từ 0,03% trở lên, người lái xe bị coi là say rượu và phạm tội lái xe khi say rượu. Tiêu chuẩn để xác định tình trạng lái xe khi chịu ảnh hưởng của rượu là 0,3mg trong 1ml máu hoặc 0,15ml trong 1L hơi thở.
Nếu bị phát hiện lái xe trong tình trạng say rượu (DUI) ở Nhật Bản, người điều khiển phương tiện có thể phải đối mặt với án tù hoặc bị phạt tiền lên tới 1 triệu yen, tùy vào nồng độ cồn trong cơ thể.
Ngưỡng nồng độ cồn được phép ở Mỹ là 0,08% tại tất cả 50 tiểu bang. Tiêu chuẩn phổ biến nhất về giới hạn nồng độ cồn trong máu được phép khi lái xe ở Tây Âu là 0,5%. Ở hầu hết các nước Đông Âu dao động từ 0,0% đến 0,3%. Singapore áp dụng giới hạn 35mg cồn trong mỗi 100ml hơi thở hoặc 80mg cồn cho mỗi 100ml máu.
Nguồn: Yonhap, Stripes, Japan Times