Vô tình chụp CT, chuyên gia phát hiện bí mật của 3 xác ướp nằm trong nhau gây tò mò từ 115 năm trước

Các nhà khoa học cho biết đây là xác ướp đầu tiên thuộc loại này được phát hiện.

Một nghiên cứu mới được công bố vào tháng 12/2023 đã phát hiện một xác ướp cổ đại của một bào thai chưa sinh nằm trong xác ướp của một thiếu nữ Ai Cập.

Khi các nhà khảo cổ khai quật và mở lớp vải bọc xác ướp vào năm 1908, họ đã phát hiện ra thi thể được băng bó của một bào thai và phần còn lại của nhau thai nằm giữa hai chân của cô gái. Các ghi chép thực địa từ thời điểm đó tiết lộ rằng các nhà nghiên cứu đã kết luận bào thai có liên quan đến người phụ nữ được ướp xác - một cô gái từ 14 đến 17 tuổi sống ở Ai Cập cổ đại trong khoảng thời gian từ cuối thời kỳ Vương triều (khoảng từ năm 712 đến 332 TCN) đến thời kỳ Coptic (giữa năm 395 và 642 sau Công nguyên). Các nhà nghiên cứu đã rạch bụng người mẹ và tìm thấy hộp sọ của bào thai bị mắc kẹt trong ống sinh, cho thấy cô gái đã tử vong vì các biến chứng trong khi sinh con.

Nhưng mãi đến một thế kỷ sau, các nhà nghiên cứu mới phát hiện ra bào thai thứ hai, lần này nằm bí ẩn trong ngực cô gái. Nhà khảo cổ học độc lập Francine Margolis (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Đây là xác ướp đầu tiên thuộc loại này được phát hiện". Mặc dù có rất nhiều ngôi mộ được biết đến của những phụ nữ qua đời khi sinh con trong hồ sơ khảo cổ học, nhưng "chưa bao giờ có trường hợp nào được tìm thấy ở Ai Cập", bà Margolis chia sẻ với Live Science.

Vô tình chụp CT, chuyên gia phát hiện bí mật của 3 xác ướp nằm trong nhau gây tò mò từ 115 năm trước- Ảnh 1.

Ảnh chụp phim cho thấy có 2 bào thai nằm trong xác ướp người mẹ

Trước đó, vào năm 2021, các nhà nghiên cứu đã công bố phát hiện về một xác ướp Ai Cập đang mang thai, nhưng các chuyên gia khác đã phản bác kết quả này và kết luận người phụ nữ không mang thai khi bà qua đời trong một nghiên cứu năm 2022.

Bà Margolis lần đầu tiên nghiên cứu xác ướp được khai quật vào năm 1908 khi viết luận văn thạc sĩ về nhân chủng học tại Đại học George Washington (GWU) ở Washington, D.C. (Mỹ) với đề tài hình thái học xương chậu nữ vào năm 2019. Bà Margolis cho biết: "Tôi đã chụp CT xác ướp để lấy số đo xương chậu. Đó là lúc chúng tôi phát hiện ra bào thai thứ hai". Hình ảnh 3D cho thấy hài cốt của một bào thai, mà không có ghi chép trước đó nào đề cập đến, đã nằm trong ngực cô gái.

Bà Margolis và ông David Hunt, đồng tác giả của nghiên cứu mới và là nhà nhân chủng học tại GWU, đã chụp X-quang xác ướp để có được hình ảnh rõ hơn về hài cốt của bào thai. Bà Margolis nói: "Khi chúng tôi nhìn thấy bào thai thứ hai, chúng tôi biết rằng mình đã có một phát hiện độc đáo và là lần đầu tiên đối với khảo cổ học Ai Cập cổ đại".

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra lại phần thân của xác ướp và bào thai bên ngoài để xác nhận nguyên nhân cái chết của thiếu nữ. Họ cũng xem xét và tổng hợp các ghi chú và hình ảnh được chụp trong quá trình khai quật năm 1908. Bà Margolis và ông Hunt phát hiện ra rằng cô gái đã qua đời khi chuyển dạ sau khi đầu của bào thai đầu tiên bị mắc kẹt. Theo nghiên cứu, đầu của bào thai khi ra khỏi bụng mẹ trong khi sinh thường được cúi xuống ngực để có thể đi qua xương chậu. Các nhà nghiên cứu cho rằng trong trường hợp này, đầu của bào thai không được cúi xuống ở vị trí quá rộng để có thể đi qua và bị mắc kẹt.

Kết quả từ phân tích năm 2019 cho thấy người mẹ cao khoảng 1,52 mét và nặng từ 45 đến 55 kg. Các nhà nghiên cứu lưu ý trong nghiên cứu mới rằng kích thước nhỏ và tuổi trẻ của cô có thể đã góp phần vào việc sinh đôi không thành công.

Vẫn chưa rõ làm thế nào mà hài cốt của bào thai thứ hai lại nằm trong ngực cô gái. Các nhà nghiên cứu cho rằng cơ hoành và các mô khác có thể đã bị phân hủy trong quá trình ướp xác, cho phép cơ thể nhỏ di chuyển lên trên. Theo nghiên cứu, việc sinh con ở Ai Cập cổ đại không được ghi chép đầy đủ, nhưng các ghi chép hiện có cho thấy sinh đôi là điều không mong muốn theo quan niệm ở thời đại này.

Nguồn: Live Science