WHO chạm đến thỏa thuận lịch sử

Virus không phân biệt biên giới và an ninh y tế toàn cầu là nguyện vọng mà tất cả mọi người tin tưởng sâu sắc và muốn củng cố.

Sau hơn 3 năm đàm phán, hôm 16-4, các quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức thống nhất dự thảo Thỏa thuận đại dịch WHO. Dự thảo sẽ được đệ trình lên Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 78 vào tháng 5 để xem xét lần cuối. Đây là một hiệp ước có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhằm củng cố khả năng phòng vệ của thế giới chống lại các tác nhân gây bệnh mới, chuẩn bị cho các nguy cơ đại dịch trong tương lai.

"Các quốc gia trên thế giới đã tạo nên lịch sử tại Geneva hôm nay" - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố ở Thụy Sĩ. TS Tedros bình luận việc đạt được Thỏa thuận đại dịch WHO không chỉ làm cho thế giới an toàn hơn mà còn chứng minh rằng trong một thế giới phân cực, các quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn có thể tìm ra tiếng nói chung cũng như phản ứng chung đối với các mối đe dọa chung.

Dự thảo thỏa thuận này đề cập nhiều vấn đề: Thiết lập hệ thống tiếp cận tác nhân gây bệnh và chia sẻ lợi ích; thực hiện các biện pháp phòng ngừa đại dịch cụ thể; xây dựng năng lực nghiên cứu và phát triển đa dạng về mặt địa lý; tạo điều kiện chuyển giao công nghệ, kiến thức, kỹ năng, chuyên môn để sản xuất các sản phẩm y tế liên quan đến đại dịch; huy động lực lượng ứng phó khẩn cấp quy mô quốc gia và quốc tế có tay nghề, được đào tạo đa ngành; thiết lập cơ chế tài chính phối hợp; tăng cường khả năng chuẩn bị, sự sẵn sàng, chức năng, khả năng phục hồi của hệ thống y tế; thiết lập mạng lưới chuỗi cung ứng và hậu cần toàn cầu.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (thứ hai từ trái sang) và Đồng Chủ tịch INB Anne-Claire Amprou (bìa trái) vui mừng sau khi dự thảo Thỏa thuận đại dịch WHO được nhất trí Ảnh: X/ TEDROS ADHANOM GHEBREYESUS

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (thứ hai từ trái sang) và Đồng Chủ tịch INB Anne-Claire Amprou (bìa trái) vui mừng sau khi dự thảo Thỏa thuận đại dịch WHO được nhất trí Ảnh: X/ TEDROS ADHANOM GHEBREYESUS

Dự thảo cũng khẳng định chủ quyền của các quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng trong biên giới của họ, chẳng hạn đóng hay mở cửa với du khách, áp dụng các lệnh liên quan đến tiêm chủng, điều trị, chẩn đoán, phong tỏa...

Theo thông cáo báo chí của WHO, khi đại dịch COVID-19 lên đến đỉnh điểm hồi tháng 12-2021, các thành viên WHO đã thành lập Cơ quan đàm phán liên chính phủ (INB) để soạn thảo và đàm phán một văn bản quốc tế dưới dạng công ước hoặc thỏa thuận theo Hiến chương WHO nhằm tăng cường phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Sau 13 vòng họp chính thức và nhiều cuộc đàm phán không chính thức khác, INB đã hoàn thiện dự thảo.

Đồng Chủ tịch INB Precious Matsoso, đến từ Nam Phi, nhìn nhận các cuộc đàm phán rất khó khăn và kéo dài nhưng cuối cùng đã đi đến sự thống nhất nhờ sự hiểu biết chung rằng virus không phân biệt biên giới, không ai an toàn trước đại dịch cho đến khi mọi người cùng an toàn. Đồng thời, an ninh y tế toàn cầu là một nguyện vọng mà tất cả mọi người tin tưởng sâu sắc và muốn củng cố.

Trong khi đó, Đồng Chủ tịch INB Anne-Claire Amprou, cũng là Đại sứ Pháp về sức khỏe toàn cầu, đánh giá dự thảo thỏa thuận là bước tiến lớn trong việc tăng cường cấu trúc an ninh y tế toàn cầu để người dân thế giới được bảo vệ tốt hơn trước đại dịch tiếp theo. "Đây là một thỏa thuận lịch sử về an ninh y tế, công bằng và đoàn kết quốc tế" - bà Amprou khẳng định. 

Kể từ năm 2023 WHO có tổng cộng 193 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên. Tuy nhiên, Mỹ đã rời bàn đàm phán trong năm nay sau sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump hồi tháng 2 về việc rút nước này ra khỏi WHO. Theo đài CNN, thỏa thuận này được coi là một chiến thắng đối với WHO vào thời điểm các tổ chức quốc tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách cắt giảm mạnh nguồn tài trợ từ Mỹ.