Theo các báo cáo của truyền thông Thái Lan, một phụ nữ 30 tuổi tên May đã qua đời vào 15/9 vừa qua sau một thời gian chống chọi với bệnh tật. Một đồng nghiệp của cô đã đăng bài viết ẩn danh trên Facebook, công khai cuộc trò chuyện giữa May và cấp trên, lên án việc người sếp này từ chối đơn xin nghỉ ốm của bạn mình, điều này đã đã gián tiếp dẫn đến cái chết của cô. Bài đăng này đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội.
Được biết, May sống ở tỉnh Sukhothai và làm việc tại một nhà máy điện tử ở tỉnh Nonthaburi. Cô có lý lịch làm việc tốt, chưa từng xin nghỉ phép hay vắng mặt. Đến ngày 5/9, cô cảm thấy không khỏe nên đã tới bệnh viện khám.
Bác sĩ chẩn đoán cô bị viêm đại tràng và yêu cầu nhập viện điều trị đến ngày 9/9. Tuy nhiên, sau khi xuất viện, tình trạng của May không cải thiện, thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn, vì vậy cô đã liên hệ với cấp trên để xin nghỉ phép từ ngày 10 đến 12/9.
Tuy nhiên, đến chiều ngày 12/9, tình trạng của May vẫn không khá hơn, cô thậm chí còn gặp khó ăn uống nên đã xin sếp cho phép nghỉ thêm 1 ngày nữa. Tuy nhiên, người sếp đã từ chối và yêu cầu cô phải cung cấp giấy chứng nhận y tế vì đã nghỉ phép nhiều ngày.
Ngày 13/9, vì sợ bị sa thải, May đã cố gắng đi làm dù sức khỏe rất yếu. Tuy nhiên, chỉ làm việc được 20 phút, cô đã ngất xỉu và được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ cho biết ruột non của May bị loét và cần phẫu thuật ngay lập tức. Tuy nhiên, do tình trạng bệnh trở nặng, May đã qua đời vào lúc 4h40 chiều ngày 15/9.
Theo bạn bè của cô, May từng chia sẻ việc xin nghỉ phép liên tục trong vài ngày qua là rất khó khăn. Vào ngày 5/9, khi mới phát hiện bị bệnh, bác sĩ chẩn đoán cô bị viêm đại tràng nhưng đến sáng ngày 15/9 khi được đưa vào bệnh viện lần nữa, bác sĩ phát hiện vết viêm đã lan đến tử cung, có mủ trong ổ bụng và ruột bị loét. Ban đầu, May được lên lịch phẫu thuật vào tối ngày 15/9 nhưng không thể qua khỏi và đã qua đời vì viêm ruột kết.
Bài đăng của đồng nghiệp May cáo buộc việc cấp trên từ chối cho cô xin nghỉ phép thêm 1 ngày, bắt cô phải đi làm trong tình trạng sức khỏe rất yếu đã gián tiếp dẫn đến chậm trễ trong việc điều trị và cuối cùng dẫn tới tử vong.
Mặc dù chưa thể xác định chắc chắn liệu cấp trên của May có thực sự gây áp lực lên May hay không nhưng cái chết của cô đã gây ra sự chú ý lớn trên mạng xã hội. Nhiều cư dân mạng đã yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra xem liệu công ty có bỏ qua phúc lợi và sức khỏe của nhân viên hay không, đồng thời kêu gọi xem xét lại chính sách nghỉ phép và điều kiện làm việc chung của công ty.
Tuy nhiên, cũng có một số cư dân mạng bày tỏ sự không hài lòng với bệnh viện, cho rằng với tình trạng bệnh nghiêm trọng như vậy, tại sao lại cho phép May xuất viện và nghi ngờ có sự chậm trễ trong việc điều trị.
Vào ngày 16/9, công ty nơi May làm việc đã đưa ra thông cáo bày tỏ sự tiếc thương đối với sự ra đi của cô và cho biết sẽ tiến hành điều tra vụ việc. Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Nonthaburi, ông Rungsan Wongboonnak cho hay, sẽ điều tra vụ việc này và yêu cầu bệnh viện cung cấp thêm thông tin về quá trình điều trị của bệnh nhân.
Người cha 55 tuổi của May - ông Amarin cho biết, con gái ông luôn chăm chỉ làm việc để nuôi gia đình và ông sẽ đưa thi thể của con gái về quê nhà để hỏa táng.
Một người họ hàng của May - ông Yongyut Suthichart nói rằng, mặc dù không phải là chú ruột nhưng ông đã chứng kiến May lớn lên và đó là một đứa trẻ rất yêu gia đình. Vì không muốn bố mẹ lo lắng nên May đã không kể cho gia đình về bệnh tình của mình.