Xuân Bắc, Công Lý... rưng rưng tiễn biệt NSND Hoàng Dũng về đất mẹ

Lễ tang diễn ra giản dị và kín đáo đúng theo di nguyện của cố nghệ sĩ Hoàng Dũng.

Sáng 20/2, tang lễ của NSND Hoàng Dũng được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Từ sáng sớm, nhiều nghệ sĩ, bạn bè thân thiết như Công Lý, Xuân Bắc, Trung Anh, Chí Trung, Minh Vượng... đã có mặt viếng cố nghệ sĩ tài hoa lần cuối.

Xuân Bắc, Công Lý... rưng rưng tiễn biệt NSND Hoàng Dũng về đất mẹ - 1

NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội là người chủ trì tang lễ. Theo di nguyện của NSND Hoàng Dũng trước khi mất, tang lễ của ông được tổ chức giản dị, không bi lụy.

Gắn bó với NSND Hoàng Dũng hơn 20 năm, Việt Anh không khỏi đau xót khi nhận được tin buồn. Nhắc về cố nghệ sĩ, Việt Anh bật khóc. Anh bộc bạch: “Rất thương bố Dũng khi ra đi vào thời điểm dịch bệnh. Nhiều người yêu thương bố không thể đến tiễn bố lần cuối. Hai bố con đi phim, sinh hoạt, ở cùng phòng với nhau. Điều tôi ấn tượng nhất với thầy là sự giản dị, nghiêm khắc và tình yêu với nghề vô cùng lớn”.

Xuân Bắc, Công Lý... rưng rưng tiễn biệt NSND Hoàng Dũng về đất mẹ - 2

Cũng theo Việt Anh, đến những ngày cuối năm trên giường bệnh, đang hôn mê, NSND Hoàng Dũng vẫn nói trong vô thức là yêu cầu người nhà chuẩn bị đồ cho ông đi diễn. “Hiếm có nghệ sĩ nào có tình yêu nghề mãnh liệt như thế. Chưa một phút nào NSND Hoàng Dũng nói bố mệt cả mà chỉ nói bố muốn làm nhiều hơn nữa...".

NSND Lan Hương cho hay, sự ra đi của NSND Hoàng Dũng là sự thòi to lớn đối với nền điện ảnh Việt cũng như bao thế hệ học trò trưởng thành từ ông. "Dù rất đau nhưng anh vẫn cố hoàn thành công việc. Lúc nào anh cũng nghĩ đến học trò, sợ nhỡ việc của người khác", nữ nghệ sĩ kể.

Xuân Bắc, Công Lý... rưng rưng tiễn biệt NSND Hoàng Dũng về đất mẹ - 3

Xuân Bắc, Công Lý... rưng rưng tiễn biệt NSND Hoàng Dũng về đất mẹ - 4

NSƯT Xuân Bắc nể phục đàn anh ở ý chí kiên cường, luôn nghĩ cho người khác

Xuân Bắc, Công Lý... rưng rưng tiễn biệt NSND Hoàng Dũng về đất mẹ - 5

NSƯT Minh Vượng khóc nức nở trong lễ tiễn đưa đồng nghiệp. Bà và cố nghệ sĩ mới đóng chung phim Trở về giữa yêu thương. 

Ban tổ chức tang lễ yêu cầu khách viếng đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách để đảm bảo sức khỏe trong thời điểm dịch bệnh Covid-19.

Lễ tang NSND Hoàng Dũng diễn ra giản dị nhưng trang trọng. Bài hát Kiếp tằm trong vở kịch Tiếng đàn vùng Mê Thảo được phát trong suốt lễ tang. Trước đây, NSND Hoàng Dũng từng đóng vai chính - danh cầm Bá Nhỡ - trong vở kịch của đạo diễn Doãn Hoàng Giang.

Sau lễ di quan, linh cữu của cố nghệ sĩ sẽ được an táng ở Hưng Yên.

Trích điếu văn do NSND Trung Hiếu - giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội - đọc tại lễ truy điệu NSND Hoàng Dũng

NSND Hoàng Dũng ra đi quá đường đột! Thật là một tin dữ, một sự đau xót thắt lòng cho những người yêu nghệ thuật, cho bạn nghề, cho mỗi chúng ta. Mặc dù đã được các bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc và cứu chữa, nhưng NSND Hoàng Dũng vẫn không cưỡng lại nổi quy luật muôn đời khắc nghiệt của tạo hóa.

Gia đình anh có lẽ còn chưa khỏi bàng hoàng, đau đớn. Khán giả hằng ngày vẫn đang dõi theo bộ phim anh đóng như thể anh vẫn còn nơi đây. Các học trò vẫn ngày ngày ngóng đợi bóng dáng thầy Hoàng Dũng đến trường. Đồng nghiệp, đoàn làm phim và chúng tôi - tập thể nghệ sĩ, cán bộ nhân viên của Nhà hát Kịch Hà Nội - vẫn mong mỏi lại được nhìn thấy đôi vai gầy của anh, được thấy lại nụ cười hóm hỉnh, vô cùng ấm áp, vô cùng thân thiện của anh dù chỉ là một phút giây.

Giờ đây, trong niềm đau mất mát không gì bù đắp nổi, với lòng thương tiếc vô hạn, chúng ta đành phải tiễn biệt một người nghệ sĩ tài hoa một đời khắc dấu, lưu ảnh trên sân khấu, phim trường về cõi vĩnh hằng.

NSND Hoàng Dũng với dáng vẻ thư sinh, phong nhã của trai phố cổ Hàng Đường, anh không chủ đích theo đuổi nghiệp diễn nhưng tổ nghề lại chọn anh. Sau khi tốt nghiệp năm 1978 Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, anh về đầu quân cho Đoàn kịch nói Hà Nội (tiền thân của Nhà hát Kịch Hà Nội ngày nay).

Tại đây, anh đã tạo dựng tên tuổi mình với hàng loạt vai diễn để đời trên sân khấu kịch Hà Nội, như: Hà Nội đêm trở gió, Ăn mày dĩ vãng, Thày khóa làng tôi, Ảo vọng, Mùa hoa sữa, Lời nguyền kẻ mơ, Tháp đoạn hồn, Tiếng đàn vùng Mê Thảo.

Nhưng có thể nói đỉnh cao nhất là vở diễn Tôi và chúng ta của cố tác giả Lưu Quang Vũ và vở diễn Cát bụi của tác giả Triệu Huấn đã đưa không chỉ tên tuổi Hoàng Dũng mà còn của cả tập thể Nhà hát Kịch Hà Nội lên một tầm cao mới với rất nhiều huy chương vàng bạc và hàng ngàn đêm diễn từ Nam ra Bắc.

Bên cạnh đó, với vai trò đạo diễn, Hoàng Dũng còn dàn dựng rất nhiều vở diễn đoạt giải cao trong các kỳ liên hoan, như: Huyết lệnh, Trái tim trong trắng, Điệp khúc vi rút, Nguồn sáng trong đời, Vùng lạnh

Có thể nói rằng, chính thế hệ của NSND Hoàng Dũng cùng các bậc tiền bối của Kịch Hà Nội đã đặt những viên gạch đầu tiên vô cùng vững chắc xây dựng nên thương hiệu Nhà hát Kịch Hà Nội.

Từ năm 1978 cho đến khi nghỉ hưu, NSND Hoàng Dũng đã có gần 40 năm gắn bó và cống hiến cho nền sân khấu kịch nói tại Nhà hát Kịch Hà Nội.

Sau khi về hưu, anh vẫn không ngừng hoạt động nghệ thuật, vẫn đảm nhiệm vị trí chủ tịch hội đồng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội đồng nghệ thuật của thành phố Hà Nội. Anh vẫn miệt mài cống hiến cho khán giả những bộ phim truyền hình do anh đóng vai chính như: Người phán xử, Về nhà đi con, Sinh tử, Trở về giữa yêu thương

Những vai diễn của anh đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Từng vai diễn, từng lời thoại của anh đều được khán giả yêu thích và nhớ đến. Ngay cả khi ngã bệnh, anh vẫn đau đáu về bộ phim còn đang dang dở.

Hoàng Dũng luôn tâm niệm, Nhà hát Kịch Hà Nội chính là ngôi nhà thứ hai của anh, như máu, như thịt của anh. Và cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật của anh thực sự đã cống hiến hết mình cho Nhà hát Kịch Hà Nội.

Chúng ta sẽ luôn nhớ ánh mắt ấm áp, nhớ nụ cười hóm hỉnh, thân thương của anh. Hình ảnh anh ngồi bó gối trầm ngâm, suy tư về vai diễn, về vở diễn với điếu thuốc dính chặt trên tay dường như vẫn còn rất gần đâu đây.

Anh say nghề, yêu nghề; anh thắp lửa, lưu giữ và truyền ngọn lửa đó cho chúng ta, cho những thế hệ nghệ sĩ trẻ. Trong những năm tháng bao cấp đầy khó khăn, anh vẫn luôn tìm mọi cách bám trụ để được sống với nghề: dạy học, lồng tiếng, diễn kịch, quay phim, đạo diễn…

Làm nghề để được sống giữa yêu thương, giữa đam mê và đắm say cho dù sức khỏe dần suy giảm. Lao động nghệ thuật vất vả là vậy nhưng anh vẫn cố gắng duy trì việc dạy học, bởi đó là sự “tiếp lửa, truyền lửa” cho thế hệ nghệ sĩ trẻ.

Dù làm việc vất vả nhưng anh vẫn cố đến trường giảng dạy, để được nhìn thấy biết bao đôi mắt học sinh háo hức chờ đợi và yêu mến. Những học sinh của anh đều gọi anh hai tiếng thân thương: Bố Dũng. Anh như một cây cổ thụ trải bóng để các con lại tiếp tục con đường nghệ thuật mà anh đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng.

Nhớ đến vai diễn cuối cùng trên sân khấu kịch Hà Nội vào lễ chia tay anh nghỉ hưu: vai diễn ông Bá Nhỡ trong vở Tiếng đàn vùng Mê Thảo. Anh chính là ông Bá Nhỡ ấy - một người nghệ sĩ tài ba như một con tằm mải miết nhả tơ, mải miết cống hiến cho nghệ thuật đến phút cuối lìa đời…

Anh Hoàng Dũng ơi, anh đã và đang sống giữa yêu thương của tất cả mọi người, của tất cả những khán giả yêu nghệ thuật. Một Hoàng Dũng với nhân cách của một nghệ sĩ lớn đầy tự trọng, là tấm gương sáng cho biết bao thế hệ, là người thắp lửa đam mê nghiệp diễn cho những nghệ sĩ trên khắp miền đất nước.

Biết đến bao giờ Hẹn ngày trở lại để chúng ta được gặp lại anh như trong vở kịch của Lưu Quang Vũ mà anh từng sắm vai?

Sau hơn 40 năm cuộc đời dâng hiến trọn vẹn cho nghề, sự ra đi thanh thản của anh như một giấc ngủ thiên thu và cũng là sự mãn nguyện của một đời người nghệ sĩ.

Cầu mong anh bình yên nơi tiên cảnh, ở nơi đó xin anh nở nụ cười mãn nguyện của người nghệ sĩ đã dâng trọn trái tim cho nghề, cho đời!