Là một trong những hiện tượng thiên văn kỳ thú con người có thể theo dõi trực tiếp, nhật thực xảy ra khi Mặt Trăng che khuất một phần hay hoàn toàn Mặt Trời. Điều này diễn ra khi Mặt Trời, Mặt Trăng, Trái Đất nằm cùng trên một đường thẳng hoặc gần thẳng, đồng thời Mặt Trăng đi qua giữa Mặt Trời và Trái Đất.
Dựa vào các vùng bóng của Mặt Trăng trên bề mặt Trái Đất, có tổng cộng 4 loại nhật thực được phân loại, bao gồm nhật thực toàn phần, nhật thực một phần, nhật thực hình khuyên và nhật thực lai. Với nhật thực một phần, nhật thực hình khuyên, nhật thực lai, Mặt Trời chỉ bị che khuất một phần. Khung cảnh ban ngày về cơ bản không khác biệt so với khi Mặt Trời không bị Mặt Trăng che phủ. Tuy nhiên, với riêng nhật thực toàn phần, đây lại là một cảnh tượng thực sự đáng kinh ngạc và không kém phần ấn tượng với những người có cơ hội theo dõi trực tiếp.
Khi đĩa tối của Mặt Trăng che khuất hoàn toàn Mặt Trời (độ che phủ 100%), khung cảnh xung quanh đột nhiên chuyển đổi từ ngày sang đêm theo đúng nghĩa đen. Thậm chí, chúng ta có thể quan sát được vầng hào quang bao quanh Mặt Trời hay vành nhật hoa bằng mắt với dụng cụ bảo vệ.
Theo tính toán của các nhà khoa học, trung bình sau mỗi khoảng 18 tháng, nhật thực toàn phần lại có thể được nhìn thấy tại một nơi nào đó trên Trái Đất. Điều này cũng có nghĩa, một người có thể quan sát được nhật thực toàn phần tới 2 lần chỉ trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, điều này chỉ là lý thuyết. Mỗi lần nhật thực toàn phần xảy ra, hiện tượng này chỉ được quan sát bởi một vùng rất hạn chế trên Trái Đất. Điều này cũng có nghĩa, sẽ mất rất nhiều năm để bạn có thể chứng kiến một lần nhật thực, đặc biệt là nhật thực toàn phần.
Thậm chí, nếu thiếu may mắn hơn, khu vực mà bạn sinh sống thậm chí chẳng khi nào có cơ hội nhìn ngắm nhật thực toàn phần. Trên thực tế, đã có một số khu vực trên Trái đất không hề thấy nhật thực toàn phần trong suốt 36 thế kỷ.
Tuy nhiên, đã bao giờ bạn đặt ra câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu nhật thực toàn phần xảy ra đều đặn mỗi ngày.
Nhật thực