12 phút là khoảng thời gian tàu thăm dò Chang’e-4 (Hằng Nga-4, hoặc Thường Nga-4) đổ bộ thành công xuống bề mặt của miệng núi lửa Von Kármán ở lưu vực Nam Cực-Aitken, thuộc phần nửa tối của Mặt Trăng, vào lúc 10:26 sáng ngày 3/1/2019 (giờ Bắc Kinh).
Không giống như quỹ đạo hình parabol mà sứ mệnh Chang'e-3 thực hiện năm 2013 nhằm đáp xuống nửa nhìn thấy của Mặt Trăng, lần này, Chang'e-4 đã hạ cánh gần như thẳng đứng xuống bề mặt nửa tối Mặt Trăng, ông Wu Weiren, trưởng công trình sư của Chương trình thám hiểm Mặt Trăng Trung Quốc cho biết. Đây là một thử thách lớn với thời gian ngắn, độ khó và rủi ro cao, ông Wu Weiren nói thêm.
Để có được màn đổ bộ thành công, Chang’e-4 phải bay thăm dò ở 3 mức độ cao khác nhau trước khi chạm đất, cụ thể:
- Khi xuống đến độ cao cách bề mặt Mặt Trăng 2000m: Máy ảnh của Chang’e-4 chụp thăm dò xem có chướng ngại vật nào không.
- Ở độ cao 100m: Chang’e-4 bay lơ lửng để xác định các chướng ngại vật nhỏ hơn và đo độ dốc trên bề mặt Mặt Trăng. Sau khi tính toán, Chang’e-4 đã tìm thấy vị trí an toàn nhất và tiếp tục di chuyển xuống.
- Ở độ cao 2m so với bề mặt: Động cơ dừng lại và Chang’e-4 hạ cánh với bốn chân đệm chống sốc. Thành công mỹ mãn!
Thông qua chế độ lái tự động, tàu thăm dò Chang'e-4 đã thực hiện việc hạ cánh nhẹ nhàng xuống bề mặt vệ tinh tự nhiên của Trái Đất. Cùng lúc đó, vệ tinh chuyển tiếp liên lạc Quequiao đang đứng ở quỹ đạo Điểm Lagrange thứ hai (L2) của Mặt Trăng (cách Mặt Trăng khoảng 65.000 km) đã truyền hình ảnh của quá trình hạ cánh về trung tâm chỉ huy ở Trái Đất.
Hình ảnh chụp cận cảnh đầu tiên của bề mặt nửa tối Mặt Trăng, được chụp bởi một camera giám sát trên tàu đổ bộ lúc 11:40 sáng (giờ Bắc Kinh), Tân Hoa Xã cho hay. - Xem hình:
Bức ảnh chụp cận cảnh đầu tiên của bề mặt nửa tối Mặt Trăng. Nguồn: Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA).
Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết, trung tâm kiểm soát tại Bắc Kinh sẽ chọn thời điểm thích hợp để cho robot tự hành trên mặt đất tách khỏi tàu Chang'e-4, thực hiện sứ mệnh thăm dò bề mặt của miệng núi lửa Von Kármán.
Sau 12 phút nghẹt thở, các nhà khoa học CNSA cuối cùng cũng thở phào nhẹ nhõm. Sự thành công ngoài sức mong đợi này là động lực để Trung Quốc thực hiện nhiều nghiên cứu mang tầm vũ trụ tại vệ tinh tự nhiên này.
Đối với lịch sử ngành du hành/khám phá vũ trụ, sự kiện tàu thăm dò Chang’e-4 đổ bộ thành công xuống nửa tối Mặt Trăng chính thức đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử nhân loại tiến hành một cuộc thám hiểm đổ bộ ở nửa tối bí ẩn này.
1. Ngày 8/12/2018, Trung Quốc phóng tàu thăm dò Chang'e-4 tiến thẳng lên Mặt Trăng. Tên lửa Long March 3B mang theo Chang'e-4 được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên, TQ.
2. Sứ mệnh Chang'e-4 thăm dò nửa tối của Mặt Trăng bao gồm: Một tàu đổ bộ, một robot tự hành trên mặt đất và một vệ tinh chuyển tiếp liên lạc Quequiao.
3. Hình ảnh tàu đổ bộ Chang'e-4 trong sứ mệnh đi vào lịch sử hàng không của Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung.
4. Robot tự hành trên mặt đất thuộc sứ mệnh Chang'e-4 được thiết kế tương tự như robot tự hành Yutu của sứ mệnh Chang'e-3 mà Trung Quốc thực hiện năm 2013, nhằm thăm dò nửa nhìn thấy được của Mặt Trăng.
5. Tàu thăm dò Chang'e-4 không cô đơn trong sứ mệnh thăm dò nửa tối của Mặt Trăng bởi, để việc truyền tải thông tin và hình ảnh thành công về mặt đất, Trung Quốc đã phóng vệ tinh chuyển tiếp liên lạc Quequiao hồi tháng 5/2018 lên quỹ đạo Điểm Lagrange thứ hai (L2) của Mặt Trăng.
Ý nghĩa của việc phóng vệ tinh chuyển tiếp liên lạc là: Tại nửa tối của Mặt Trăng, các tín hiệu radio hoàn toàn bị vô hiệu hóa. Trung Quốc đã "giải được bài toán khó" này như thế nào, đọc chi tiết, tại đây .
6. Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) thiết kế Infographic thể hiện hành trình từ lúc phóng tàu Chang'e-4 đến lúc hạ cánh xuống bề mặt nửa tối Mặt Trăng.
"Xin được chúc mừng đội ngũ chuyên gia thuộc sứ mệnh Chang’e-4. Cuộc đổ bộ thành công xuống nửa tối Mặt Trăng của Trung Quốc đánh dấu bước chuyển mình trong hành trình khám phá vũ trụ của nhân loại. Đây thực sự là một thành tựu vô cùng ấn tượng!" - Jim Bridenstine, Giám đốc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) viết trên Twitter.
Bài viết sử dụng nguồn: Space.com, Tân Hoa Xã