Các võ sĩ Samurai nổi tiếng luôn là niềm tự hào của người Nhật. Để trở thành một Samurai, người ta phải tuân theo nhiều quy tắc cũng như những bài học vô cùng nghiêm khắc. Thế nên khi nhắc đến họ, ai cũng đều có ấn tượng rằng họ là những chiến binh quả cảm, đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, xoay quanh các chiến binh này còn có rất nhiều điều thú vị lẫn kinh hoàng mà chỉ nghe qua thôi cũng thấy hãi hùng.
1. Seppuku – Nghi lễ mổ bụng không hề đơn giản
Nghi lễ mổ bụng nổi tiếng gắn liền với các samurai được gọi là Seppuku. Để thể hiện tinh thần ‘tử vì đạo’, coi trọng danh dự hơn là mạng sống, các samurai sẽ thực hiện seppuku. Thông thường, seppuku được thực hiện khi samurai thua trận, nhằm giúp họ bảo toàn danh tiết, tránh bị kẻ thù sỉ nhục.
Tuy nhiên, seppuku cũng có thể được thực hiện trong một trường hợp khác là khi chủ của samurai qua đời để thể hiện sự trung thành với chủ. Không những vậy, một điều đáng sợ khác khi nhắc đến nghi lễ seppuku đó là nó không chỉ dành riêng cho các samurai.
Nếu một samurai đã có gia đình phạm tội hoặc qua đời, người vợ của họ cũng sẽ thực hiện nghi thực tương tự được gọi là jigai. Trong lúc thực hiện lễ jigai, người phụ nữ sẽ buộc chặt hai chân của mình lại để thể hiện sự trung thủy vĩnh viễn với chồng mình.
2. Tsujigiri – ‘chém người ở ngã tư’
Vào thời Chiến quốc, tương truyền các samurai có một tập tục rất đáng sợ và đẫm máu. Khi một samurai nhận thanh kiếm mới, người này sẽ lựa lúc vắng vẻ, đứng chờ sẵn ở ngã tư đường để chém khách bộ hành bất kỳ không may đi ngang qua.
Để lý giải cho tập tục man rợ này, nhiều người cho rằng nó được thực hiện để samurai có thể hiến tế cho thanh kiếm mới của mình. Một vài thuyết khác lại giải thích đó chỉ đơn giản là cách thử độ sắc bén của vũ khí cũng như rèn luyện phản ứng linh hoạt của bản thân người dùng.
Dù trong thực tế, tsujigiri chỉ được phép thực hiện giữa các võ sĩ đạo với nhau. Thế nhưng vào thời kỳ chiến quốc loạn lạc, khiến cho nhiều người lợi dụng tập tục tsujigiri để giết người vô tội một cách ngang ngược, không có kiểm soát. Chính vì vậy, vào thời Edo, tục tsujigiri đã bị cấm triệt để và bất cứ samurai nào thực hiện tập tục này cũng đều bị khép án tử hình.
3. Kabukimono – ‘Hội samurai đường phố’
Kabukimono là một kiểu samurai vô tổ chức xuất hiện vào khoảng cuối thời Muromachi và đầu thời kì Edo. Những samurai thuộc loại này thường không phục vụ bất kỳ chủ nhân nào cụ thể. Ngoài ra, họ cũng có vẻ bề ngoài rất kỳ quái. Kabukimono thường ăn mặc sặc sỡ, đeo phụ kiện bắt mắt, đôi khi còn mặc cả tranh phục phụ nữ. Còn về đầu tóc, kabukimono thích để tóc và râu theo kiểu lạ lùng, khác người.
Nếu các samurai thường nghiêm túc, quy củ bao nhiêu thì các kabukimono lại vô tổ chức bấy nhiêu. Các samurai này vô cùng bạo lực và thô lỗ. Họ thường xuyên đánh chém người vô tội vạ, gây mất trật tự công cộng, quỵt tiền ăn uống ở các hàng quán một cách ngang ngược…
Kabukimono xuất hiện nhiều vào thời Keicho (1596 – 1615), vì luật pháp thời này lỏng lẻo. Tuy nhiên, càng về sau này, khi luật lệ chặt chẽ hơn thì các nhóm Kabukimono dần bị hạn chế.