Hệ điều hành Android hay iOS? Chip xử lý gì? Kích cỡ và độ phân giải màn hình?
Số lượng camera? Có lẽ bạn đã có sẵn danh sách thông số mong muốn, nhưng những điểm ít người để ý dưới đây cũng rất đáng để xem xét đấy, theo Gizmodo.
Chỉ số IP
Chỉ số IP trên điện thoại (hay bất kỳ món đồ công nghệ nào) cho biết khả năng kháng bụi và nước của nó. IP là viết tắt của International Protection (hoặc đôi lúc là Ingress Protection), và được quản lý bởi Uỷ ban Kỹ thuật điện Quốc tế.
Con số đầu tiên sau ký hiệu IP là khả năng kháng "hạt rắn" (bụi). Với smartphone, con số này đi từ 0 - tức không hề kháng - đến 6 - tức được niêm rất chặt, không hạt bụi nào có thể lọt vào bên trong vỏ máy được.
Con số thứ hai là khả năng kháng "chất lỏng xâm nhập" (nước). Với smartphone, con số này đi từ 0 - tức không hề kháng - đến 8 - có thể nhận chìm liên tục dưới nước.
Đôi lúc người ta dùng những con số lớn hơn (ví dụ 9K có nghĩa là kháng nước nhiệt độ cao), nhưng với smartphone, IP68 là tiêu chuẩn vàng.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất lại có một số cách định nghĩa số 8 trong IP68 khác biệt so với chuẩn, mà cụ thể ở đây là độ sâu và thời gian ngâm nước tối đa của máy: trên bảng thông số của mọi điện thoại, bạn sẽ thấy có nhắc đến độ sâu và thời gian này.
Ví dụ, với Pixel 3, máy có thể sống sót ở độ sâu tối đa 1,5 mét trong 30 phút.
Các nhà sản xuất điện thoại cũng không bị bắt buộc phải nêu rõ chỉ số IP, và do đó họ có thể chỉ cần sử dụng các thuật ngữ như "splashproof" (chống bắn nước) hay "waterproof" (chống nước). Hãy kiểm tra kỹ hướng dẫn sử dụng máy để biết chính xác chúng có nghĩa là gì.
Tin tốt cho bạn là hầu hết các điện thoại cao cấp mới hiện nay đều đạt chuẩn chống nước và bụi.
Tốc độ sạc
Nếu bạn đã quen với việc cắm sạc điện thoại qua đêm và đánh một giấc ngủ dài đến sáng, bạn sẽ chẳng bao giờ biết được pin điện thoại đã được sạc nhanh đến mức nào, miễn đến sáng hôm sau pin đầy 100% là được.
Nhưng khi bạn bận rộn chạy khắp nơi và chỉ có vỏn vẹn 10 phút để sạc pin điện thoại, thì đó là lúc bạn thực sự quan tâm đến tốc độ sạc (và tốc độ sạc không dây).
Tốc độ sạc điện thoại phụ thuộc vào cách thức điện thoại được sản xuất, và công suất của củ sạc hay đế sạc không dây bạn đang dùng.
Bạn cần một chiếc điện thoại hỗ trợ sạc nhanh và một củ sạc nhanh để có thể sạc điện thoại nhanh hết mức có thể - mọi thứ sẽ vô nghĩa nếu bạn cố sạc điện thoại hỗ trợ sạc nhanh bằng cổng USB trên laptop!
Bạn hãy tìm hiểu kỹ công suất củ sạc, đo bằng Watts (W), tính bằng cường độ (A) nhân với điện thế (V). Ngoài ra, hãy chú ý đến tỷ số nạp điện được liệt kê trên bảng thông số máy.
Các nhà sản xuất hiện giới thiệu khá nhiều chuẩn sạc nhanh riêng, bạn có thể xem infographic này để hiểu rõ hơn về chúng.
Trừ khi bạn sử dụng một củ sạc "đểu" của một nhãn hiệu vô danh nào đó, thì việc sử dụng một củ sạc quá mạnh sẽ chẳng thể khiến điện thoại phát nổ được, bởi các thiết bị ngày nay đều có những cơ chế an toàn giúp điều nay không thể xảy ra được.
Modem và ăng-ten
Mọi điện thoại đều có thể thực hiện và nhận các cuộc gọi, cũng như quản lý dòng dữ liệu đến và đi khỏi thiết bị, nhưng không phải điện thoại nào cũng làm việc đó như nhau.
Chip sóng (modem) bên trong smartphone chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động dữ liệu không dây nói trên và là một trong những thông số bạn nên để ý đến, đặc biệt trong bối cảnh mạng 5G sắp được triển khai trên diện rộng.
Loại modem sẽ quyết định tốc độ upload và download tối đa mà điện thoại có thể mang lại, loại mạng di động bạn có thể kết nối khi đi nước ngoài, và thậm chí là khả năng hỗ trợ 2 SIM của điện thoại nữa.
Modem càng tốt sẽ tiêu thụ càng ít điện năng, có nghĩa sẽ góp phần mang lại thời lượng pin cao hơn.
Ngoài ra, hãy xem số lượng ăng-ten tích hợp trong máy: một chiếc điện thoại 4x4 MIMO (nhiều đầu vào, nhiều đầu ra) sẽ có 4 ăng-ten phục vụ 4 luồng dữ liệu song song, trong khi điện thoại 2x2 MIMO chỉ có 2 ăng-ten mà thôi.
Đây chính là điểm khác biệt giữa iPhone XR (2x2 MIMO) và iPhone XS/XS Max (4x4 MIMO) mà Apple không hề tiết lộ trong sự kiện ra mắt.
Nhiều ăng-ten đồng nghĩa với tốc độ dữ liệu nhanh hơn và tín hiệu di động mạnh hơn. Tất nhiên, các điện thoại cao cấp sẽ chỉ có tốc độ di động "khủng" nếu chúng được hỗ trợ bởi các mạng di động đang kết nối đến.
Đó là lý do bạn chỉ thực sự cần một chiếc điện thoại 5G nếu mạng di động bạn đang dùng đã triển khai 5G.
Không may là việc so sánh các modem không hề dễ dàng, và các nhà sản xuất - Intel, Qualcomm, MediaTek và một số hãng khác - không phải lúc nào cũng công bố mọi chi tiết về sản phẩm của mình.
Hãy chú ý đến modem và ăng-ten tích hợp trong điện thoại và nghiên cứu số hiệu modem đôi chút, bởi nó là một trong những điểm khác biệt có tác động thực sự đến trải nghiệm sử dụng điện thoại hàng ngày.
Bộ xử lý AI
Nếu nhớ lại những lần ra mắt điện thoại mới của các thương hiệu lớn trong năm nay, bạn hẳn sẽ để ý thấy họ đều nhắc đến một chip xử lý được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI), và AI thực sự là thứ bạn nên xem xét khi tìm mua chiếc điện thoại tiếp theo.
Kiến trúc bên trong của bộ xử lý AI khác nhau giữa các nhà sản xuất, nhưng ý tưởng cơ bản là như nhau.
Những con chip AI (hay một tập hợp chip) được thiết kế để xử lý các loại hình tính toán cần thiết cho machine learning, theo cách tương tự những con chip đồ hoạ được thiết kế để xử lý các loại hình tính toán cần thiết để đưa các điểm ảnh lên màn hình.
Một trong những ví dụ dễ hiểu nhất về AI là nhận diện hình ảnh: nó có thể phát hiện bức ảnh nào bạn chụp chó, hay biết được bạn đang chụp cận cảnh những bông hoa (để ứng dụng camera có thể tinh chỉnh các thiết lập phù hợp).
Một ví dụ khác là các điện thoại hiện nay có khả năng nhận diện rất nhanh giọng nói của người dùng thông qua AI.
Tất cả các chipset hàng đầu đến tự mọi tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp smartphone đều kèm theo vi xử lý AI, như Neural Engine trên vi xử lý A12 Bionic trong các iPhone 2018.
Sự khác biệt giữa các vi xử lý AI này, ngoài kiến trúc bên trong như đã nói ở trên, là tốc độ và độ mượt mà của các ứng dụng thực tại tăng cường (AR).
Dù rất khó để so sánh bộ xử lý AI này với bộ xử lý AI kia, nhưng nó lại là một lý do nữa để chọn mua các mẫu điện thoại flagship mới, mạnh mẽ hơn: chúng có thể xử lý nhiều tác vụ machine learning hơn ngay trên máy, thay vì phải đưa chúng lên đám mây.
Và khi mà ngày càng nhiều ứng dụng được phát triển cho các con chip đó, chiếc điện thoại mới của bạn cũng sẽ sẵn sàng để đón nhận.
Hỗ trợ HDR
HDR mang lại dải màu sắc rộng hơn, hình ảnh rực rỡ hơn, và nhiều chi tiết hơn ở các phần sáng và tối của màn hình.
Để xem video và ảnh HDR, bạn cần một ứng dụng có thể hiển thị nội dung ở định dạng phù hợp (như Netflix hay Amazon Prime Video, miễn là bạn đăng ký gói hợp lý) và một chiếc điện thoại hỗ trợ HDR.
Tất nhiên, có rất nhiều điện thoại hỗ trợ chuẩn này. HDR10 hiện một trong những định dạng HDR phổ biến nhất chủ yếu bởi nó không tốn chi phí mua giấy phép sử dụng. Ngoài ra còn có định dạng HDR Dolby Vision, với nhiều màu sắc và độ tương phản tốt hơn HDR10.
Samsung Galaxy Note 9 sử dụng HDR10. Trong khi đó, iPhone XS lại hỗ trợ cả HDR10 và Dolby Vision. Nghe có vẻ khá khó hiểu, nhưng vẫn đáng để bạn tìm hiểu khi mua sắm điện thoại.
Ngoài ra, bạn còn cần một chiếc điện thoại được hỗ trợ bởi các ứng dụng HDR yêu thích. Ví dụ, ứng dụng Netflix sẽ không hỗ trợ phát HDR trên mọi chiếc điện thoại hỗ trợ HDR, dù hầu hết các điện thoại mới đều được hỗ trợ.
Vâng, sự khó hiểu đã tăng gấp đôi, nhưng bạn có thể xem danh sách các điện thoại Android và iOS được hỗ trợ tại đây.
HDR hiện đã trở thành một tiêu chuẩn phải có trên điện thoại và TV, do đó nếu bạn sắp mua một chiếc điện thoại mới, khả năng cao nó sẽ hỗ trợ HDR.
Hãy chú ý đến chất lượng tấm nền và độ phân giải của nó nữa, bởi đó là những yếu tố quan trọng không kém nếu bạn muốn có một trải nghiệm xem video HDR tốt nhất.