Cảnh Tom Hanks đánh lửa trong 'Cast Away'
Trong phim: Nhân vật không có kinh nghiệm và dụng cụ thích hợp nhưng cố gắng tạo ra lửa để tồn tại trên hoang đảo. Anh ta sử dụng lực ma sát và mất chưa đầy một phút để tìm thấy lửa.
Thực tế: Cách Tom Hanks làm có thể tạo ra lửa nhưng theo nhà thám hiểm giàu kinh nghiệm Bear Grylls, sẽ mất nhiều thời gian hơn trên phim. Cảnh này diễn ra trong 30 giây nhưng Bear phải dành tới 12 tiếng mới có thể tạo ra đám cháy ngoài đời thực.
Cậu bé trong 'Free Willy' nên tìm hiểu thêm về cá voi
Trong phim: Một cậu bé giải cứu con cá voi bằng cách đưa nó ra khỏi khu nuôi nhốt và thả về đại dương. Mọi người đều vui mừng vì Willy có ngôi nhà mới và lớn hơn trước.
Thực tế: Khi con cá voi xuất hiện, hãy chú ý đến vây của nó. Những con được nuôi nhốt có vây bị biến dạng do căng thẳng, kiệt sức hoặc vấn đề tâm lý. Trong môi trường tự nhiên, bộ phận này rất quan trọng để nó tồn tại và sống cuộc sống bình thường. Nếu một con cá voi có vây bị biến dạng quay trở lại đại dương, nó sẽ không thể sống sót mà còn là cực hình.
Con voi trong 'Ace Ventura: When Nature Calls'
Trong phim: Một con voi tung chân trước lên cao để tấn công người.
Thực tế: Đây không phải hành vi hung dữ điển hình của loài voi. Nếu một con voi trở nên hung hãn, nó sẽ cúi đầu xuống, lao về phía đối thủ. Những gì diễn ra trên phim giống một buổi biểu diễn xiếc hơn.
Có một "hạt sạn" nữa trong cảnh khác. Phim lấy bối cảnh ở châu Phi, có đầu một con voi châu Phi treo trần tường. Nhưng khi bức tưởng bị đổ và một con voi chạy vào, nó lại là voi Ấn Độ. Sự khác biệt rõ ràng có thể nhận ra: voi Ấn Độ tai nhỏ, không có ngà và hình dạng đầu của chúng cũng khác nhau. Nhưng voi Ấn Độ dễ huấn luyện hơn nên đó có lẽ là lý do nó được chọn đóng phim.
Nhân vật trong 'Whiplash' quá... khỏe
Trong phim: Nhân vật chính đến muộn một buổi biểu diễn. Anh ta vừa phóng xe vừa la hét qua điện thoại và không nhận thấy có một chiếc xe tải. Hai xe va chạm, xe của anh ta bị lật. Người này dính một vài vết thương nhưng nhanh chóng đứng dậy tiếp tục đến buổi diễn.
Thực tế: Theo lời khuyên y tế, khi gặp tai nạn kiểu này, bạn không nên di chuyển mà hãy đợi xe cấp cứu. Nếu có nguy hiểm như xe sắp bốc cháy, hãy bò ra khỏi xe. Vì vậy, nhân vật chính không thể nào đứng dậy ngay và chạy. Anh có thể bị chảy máu trong, chấn thương cổ hoặc một số mối nguy khác.
Cảnh ôtô đuổi máy bay trong 'Argo'
Trong phim: Một nhóm người lái ôtô trên đường băng đuổi theo máy bay. Họ suýt đuổi kịp nhưng đến phút cuối, máy bay rời khỏi mặt đất.
Thực tế: Chắc chắn bạn không nên lái xe ngay sau động cơ máy bay vì ở đó rất nóng, gió thổi với tốc độ khoảng 160 km/h. Ngoài ra, ôtô thông thường không thể bắt kịp máy bay vì nó cất cánh với vận tốc gần 300 km/h.
Tay nghề của bác sĩ trong 'Twilight'
Trong phim: Tài xế mất lái tổng thẳng vào nhân vật chính. Cô được đưa tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Bác sĩ chiếu đèn vào mắt để chắc chắn rằng cô không bị rối loạn sau chấn thương (PTSD).
Thực tế: Trong trường hợp này, không toàn không có tác dụng gì khi kiểm tra phản ứng của đồng tử nếu muốn biết Bella có bị PTSD hay không. Rối loạn này không thể chẩn đoán ngay sau chấn thương vì nó xuất hiện sau đó.